Chủ động đấu tranh tội phạm cố ý gây thương tích

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 20 vụ việc cố ý gây thương tích, với hơn 100 đối tượng phạm tội liên quan bị bắt giữ. Qua kết quả điều tra của lực lượng công an, hầu hết các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh đều có tính chất, mức độ và phương thức rất côn đồ, hung hãn, manh động. Đáng chú ý là nhiều vụ án bắt nguồn từ những va chạm, mâu thuẫn, xích mích rất đơn giản trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày.

Công an TP Sầm Sơn bắt giữ nhóm đối tượng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Công an TP Sầm Sơn bắt giữ nhóm đối tượng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Điển hình, tối 5/9/2024, Công an TP Sầm Sơn nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân tại một số tuyến đường như Nguyễn Du, Bà Triệu, Lê Lợi thuộc địa bàn các phường: Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Châu (TP Sầm Sơn) có một nhóm thanh niên khoảng 20 người đi xe máy che biển số, mang theo dao, vỏ chai bia, gạch đá... khi gặp người dân hoặc thanh niên đang ăn nhậu ở vỉa hè thì vào cà khịa, đánh nhau khiến 1 người bị thương và gây mất an ninh trật tự. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an TP Sầm Sơn đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ và bắt giữ 11 đối tượng trong nhóm thanh niên nói trên. Theo lời khai của các đối tượng, toàn bộ số thanh niên này đều ở TP Thanh Hóa do Đặng Văn Thắng, sinh năm 2007 ở phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) cầm đầu. Sau khi uống rượu say trên địa bàn TP Thanh Hóa, khi lên mạng xã hội thấy có nhóm thanh niên ở TP Sầm Sơn thách thức đánh nhau nên cả nhóm đã rủ nhau tháo hết biển số xe máy, mang theo dao, kiếm, vỏ chai bia... xuống Sầm Sơn để đánh nhau. Hiện Công an TP Sầm Sơn đã làm rõ và tạm giữ 11 đối tượng trong nhóm của Đặng Văn Thắng, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Định cũng vừa điều tra, xác minh làm rõ, đồng thời khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng: Nguyễn Thị Phú, sinh năm 1977 ở thị trấn Quán Lào; Trần Văn Cảnh, sinh năm 1995 ở xã Định Bình; Nguyễn Duy Hoàng, sinh năm 1984 ở xã Định Tăng và Trịnh Duy Tuấn, sinh năm 1984 ở xã Định Long (Yên Định) về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, do có mâu thuẫn cá nhân với nhau trong giải quyết công việc, Nguyễn Thị Phú đã nhờ Trịnh Duy Tuấn và Nguyễn Duy Hoàng tìm người đánh dằn mặt chị Trịnh Thị T., sinh năm 1991 ở xã Yên Ninh (Yên Định). Hai bên thỏa thuận sau khi xong việc, Phú sẽ trả cho các đối tượng này 50 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận xong với Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Duy Hoàng đã tìm gặp Trần Văn Cảnh nói có người thuê đánh người khác và rủ Cảnh tham gia. Cảnh đồng ý và điều khiển xe mô tô chở Hoàng đi lên đoạn đường giáp ranh giữa xã Yên Ninh và xã Định Liên mà chị Trịnh Thị T. thường đi làm qua để chờ sẵn. Khi đi, Hoàng có mang theo 1 thanh gỗ dài khoảng 1m, cả 2 đều mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang. Khi phát hiện chị T. đi làm bằng xe mô tô qua thì Cảnh chở Hoàng vượt và ép xe chị dừng lại. Hoàng xuống xe dùng gậy gỗ đánh vào tay, chân chị T. khiến chị bị gãy xương cẳng tay trái và nhiều vết thương ở tay, chân. Kết quả giám định chị T. bị thương tật 18%.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm cố ý gây thương tích, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Trọng tâm là rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có nguy cơ cao gây ra những vụ gây thương tích tại cơ sở. Cùng với đó, lực lượng công an đã tăng cường lực lượng, phương tiện, nắm chắc tình hình, địa bàn, chủ động phát hiện sớm những mâu thuẫn, tranh chấp để tham mưu và tham gia giải quyết kịp thời; gọi hỏi, răn đe những thành phần bất hảo. Ngoài ra, lực lượng công an còn tăng cường công tác tuần tra vũ trang, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để phát hiện các đối tượng tụ tập mang theo vũ khí, hung khí, có biểu hiện gây án để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Mặt khác, thường xuyên rà soát, quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; đồng thời tích cực kiểm tra, thu hồi, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, lực lượng công an trong tỉnh còn phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm cố ý gây thương tích.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cố ý gây thương tích, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Cụ thể là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người để phòng ngừa chung trong xã hội. Khi phát hiện mâu thuẫn, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải, nếu không giải quyết dứt điểm thì báo cơ quan công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-dau-tranh-toi-pham-co-y-gay-thuong-tich-227645.htm