Chủ động di chuyển ổn định người dân mùa mưa bão

Biến đổi khí hậu, thời tiết đang diễn biến ngày càng thất thường, thiên tai phức tạp, khó lường. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm 'Chủ động phòng tránh - Ứng phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả'.

Di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Chủ động phòng chống nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp di dời người dân ở vùng nguy hiểm. Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đơn vị giao chủ trì việc di dời cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo ngành, các địa phương liên tục rà soát, vận động các hộ nằm ở ven sông, suối, bìa rừng để có kế hoạch di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm, tỉnh đã hỗ trợ di dời 80 hộ đến nơi an toàn, hiện đang tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm để không bị động, bất ngờ khi có giông lốc, sạt lở xảy ra.

Huyện Yên Sơn đang thực hiện rà soát 1.193 hộ, các hộ trong vùng nguy hiểm theo danh sách các địa phương kiến nghị, trong đó các xã, thị trấn đề xuất hỗ trợ kinh phí cho 308 hộ tạo mặt bằng để làm nhà ở; 225 hộ làm nhà ở mới; 660 hộ bố trí ổn định tại chỗ. Đồng chí Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với các xã, trị trấn rà soát lại các hộ để đảm bảo đúng đối tượng thực hiện hỗ trợ, đồng thời nắm bắt những hộ nằm trong nguy cơ cao thực hiện trước.

Người dân giúp gia đình ông Nông Văn Kim, xã Đà Vị (Na Hang) khắc phục sạt lở đất sau mưa lũ.

Người dân giúp gia đình ông Nông Văn Kim, xã Đà Vị (Na Hang) khắc phục sạt lở đất sau mưa lũ.

Cách làm của các địa phương hiện nay là tập trung rà soát, quyết liệt vận động để người dân di chuyển. Người dân chủ động tìm kiếm mặt bằng đất ở, chính quyền xã thẩm định đúng quy định, đảm bảo các điều kiện an toàn mới được phép di chuyển nhà ở. Ngoài các dự án di dân xen ghép, các dự án di chuyển tập trung cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Huyện Na Hang đang thực hiện 2 dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn tại xã Khâu Tinh; xã Thanh Tương. Đồng chí Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng khu vực Na Hang cho biết: Hai công trình đang được huyện tập trung thực hiện để người dân được di chuyển sớm.

Dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương đã xong mặt bằng khu tái định cư khu 1 để ổn định tại chỗ và bố trí tái định cư cho các hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm. Dự án bố trí diện tích dân cư tái định cư là 13.650 m2 với 19 lô đất ở, diện tích mỗi lô trung bình là 450 m2. Hiện nay đã giao đất cho 5 hộ gia đình. Các công trình khác đã được bố trí như diện tích trồng cây xanh 9.475 m2; nhà văn hóa 1.455 m2; đường nội bộ 331,63 m; hệ thống thoát nước thải sinh hoạt tại điểm dân cư tập trung và các công trình công cộng khác trong khu vực đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện đang thi công công trình cấp nước sạch.

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khau Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh có tổng diện tích 10.535 m2, trong đó: Diện tích đất ở là 5.600 m2 gồm 14 lô diện tích trung bình mỗi lô 400 m2; nhà văn hóa thôn 400 m2; giao thông và hành lang bảo vệ đường là 1.925 m2; đường xen kẽ giữa 2 lô là 288 m2; đất cây xanh 636,2 m2; đất hạ tầng kỹ thuật diện tích 1.685,8 m2. Hiện nay đã hoàn thành san nền mặt bằng; hệ thống thoát nước và thi công hệ thống cấp điện đạt khoảng 90% khối lượng. Hiện đang lắp đặt trạm biến áp. Cùng với đó, Ban đang làm phương án giao đất cho các hộ dân trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem xét phê duyệt để tổ chức giao cho các hộ dân đảm bảo theo quy định.

Phát huy tính chủ động của người dân

Những năm gần đây, tình hình trượt lở xảy ra thường xuyên hơn, thường gặp nhất là sạt lở đất, đá và sụt lở. Trượt lở đất xảy ra nhiều ở các sườn đồi núi dốc, đường giao thông, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình khá nguy hiểm, thường xảy ra bất ngờ nên người dân phải cảnh giác, chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản.

Tại xã Kháng Nhật (Sơn Dương) có 21 hộ nằm trong diện có nguy cơ sạt lở đất taluy dương. Đồng chí Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vừa qua, các phòng ban huyện Sơn Dương đã về tận nơi thực hiện rà soát, đánh giá mức độ nguy hiểm để có phương án hỗ trợ đối với từng hộ gia đình. Tuy nhiên, trước đó một số hộ đã chủ động khắc phục nguy cơ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình.

UBND xã đã hướng dẫn người dân về thủ tục đất đai, phương án thực hiện đảm bảo đúng pháp luật, an toàn, thuận lợi. Theo đó, 1 hộ thường xuyên bị ngập nước mỗi khi trời mưa đã di chuyển lên nơi ở mới không nhận hỗ trợ của nhà nước; 4 hộ nguy cơ cao đã thực hiện xử lý taluy dương phòng tránh sạt lở vào nhà.

Chị Dương Thị Tới, thôn Trung Tâm, xã Kháng Nhật nhiều năm lo lắng khi đến mùa mưa bão. Chị Tới bảo, trước mỗi đêm mưa to, vợ chồng chị mở sẵn cửa nhà, nằm ngủ ngoài hiên, phát hiện sạt lở là chạy luôn. Đến năm 2023 chị đã bỏ hơn 60 triệu đồng mua đất và bỏ ra 117 triệu đồng giật cấp taluy dương sau nhà để phòng sạt lở trước mùa mưa năm nay. Trước đó, mùa mưa năm 2021 đất đá sạt vùi lấp một phần bếp, chuồng gà, vừa thiệt hại kinh tế vừa sợ.

Biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan với cường độ mạnh, nhất là mưa bão, lũ lụt rất phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đặc biệt, tỉnh ta lại là một tỉnh miền núi, thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, hành động “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chu-dong-di-chuyen-on-dinh-nguoi-dan-mua-mua-bao-192283.html