Chủ động điều tra, đánh giá sức chịu tải và chất lượng nước
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thực hiện Đề án 'Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương' (đề án). Dự kiến tháng 12-2021 đề án đưa ra trình bày trước Hội đồng Khoa học để thông qua trước khi những luận chứng, luận cứ khoa học được sử dụng vào mục đích gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Cán bộ ngành TN&MT lấy mẫu nước thải để thực hiện quan trắc mức độ ô nhiễm
Tầm nhìn dài hạn
Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế thuộc tốp đầu của cả nước. Giai đoạn 2016-2020 mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 9,35%, gấp 1,4 lần bình quân chung cả nước, trong đó ngành công nghiệp có những đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, chiếm 66,5%. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển ngày càng tăng về dân sinh và hoạt động công nghiệp sẽ tạo áp lực lớn hơn cho các kênh, rạch, sông, suối về việc tiếp nhận nước thải. Việc bố trí đầu tư phát triển công nghiệp cần có cơ sở khoa học và thực tiễn để ra quyết định phù hợp. Đó cũng là nguyên nhân đề án được tỉnh phê duyệt, giao Sở TN&MT phối hợp các đơn vị chuyên môn thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở TN&MT cho biết mục tiêu của đề án được giải quyết dựa trên mô hình thủy lực để đánh giá dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc thu thập và xử lý dữ liệu theo yêu cầu đầu mô hình rất quan trọng, quyết định độ chính xác, bao gồm dữ liệu khảo sát, đo đạc mặt cắt, thủy văn, chất lượng nước, dữ liệu nguồn thải. Hiện trạng các thông tin, dữ liệu theo yêu cầu của đề án rất nhiều và phong phú. Tuy nhiên, các số liệu chưa được hệ thống hóa, rời rạc, không liên tục, chưa có định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu liên tục bên cạnh những dữ liệu chưa được sử dụng hiệu quả hoặc không được sử dụng. Các dữ liệu thu thập cần được tổng hợp một cách khoa học và hệ thống.
Sớm có hệ quy chiếu
Thông qua các phương pháp nghiên cứu khoa học, điều tra và khảo sát thực tế theo chu kỳ trên các con sông suối, kênh rạch, ê-kíp thực hiện đề án đã cho ra những phương pháp luận sâu sắc. Dự kiến đây sẽ là những cơ sở khoa học thực tiễn giúp tỉnh nhà sớm đưa ra một hệ quy chiếu chung về chất lượng môi trường nước trên các con sông, suối, kênh, rạch. Từ đó, có hướng quản lý hoặc cải tạo để giữ gìn cảnh quan và môi trường sống.
Kết quả nghiên cứu trong hơn 12 tháng của ê-kíp thực hiện đề án cho thấy, tải lượng chất thải tại 26 sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vào mùa khô và mùa mưa có sự khác biệt rõ rệt. Tổng tải lượng ô nhiễm thải vào 26 tiểu lưu vực theo nghiên cứu là 390,10 tấn/ngày vào mùa khô, trong khi đó con số này vào mùa mưa là 789,29 tấn/ngày. Đây là những con số biết nói, đưa ra những cảnh tỉnh kịp thời giúp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân sớm có phương án bảo vệ, cải tạo và gìn giữ môi trường sống.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp tốt với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị, thành phố và Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp… phòng ngừa ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường. Những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đồng bộ từ khâu thu hút đầu tư các dự án mới; không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không bố trí các dự án ở các khu vực không có hạ tầng cấp, thoát nước; từng bước hạn chế và thu hút đầu tư có chọn lọc ở vùng phía nam; các doanh nghiệp thuê nhà xưởng hoạt động ở phía nam của tỉnh đã được phân loại và lập kế hoạch để di dời, chuyển đổi công năng và cải thiện môi trường. Tỉnh cũng chủ động thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố môi trường bằng việc ra quyết định ban hành danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, xử lý.
12 ngành nghề có nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường như sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; tái chế, kinh doanh phế liệu; xử lý, tái chế chất thải; dệt nhuộm; thuộc da; công nghệ luyện thép, luyện kim, gia công xi mạ; chế biến mủ cao su thiên nhiên; sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô và giấy phế liệu...
7 vùng, địa điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt được xác định chủ yếu ở vùng đô thị phía nam tỉnh, như: Sông Thị Tính và các chi lưu trên địa bàn TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng, Suối Cát trên địa bàn TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, rạch Chòm Sao và Suối Đờn trên địa bàn TP.Thuận An, rạch Vĩnh Bình trên địa bàn TP.Thuận An, Suối Cái và các chi lưu, Suối Cầu trên địa bàn TX.Tân Uyên, Suối Siệp trên địa bàn TP.Dĩ An.