Chủ động đối phó với các phương tiện bay không người lái

Những năm qua, ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hàng loạt phương tiện bay không người lái (UAV) thế hệ mới với các tính năng vượt trội về phạm vi hoạt động, tốc độ bay, khả năng tàng hình, mang nhiều loại vũ khí, bay ở chế độ tự hoạt, cấu trúc mở, dễ cải tiến... đã được quân đội nhiều nước nghiên cứu, phát triển.

Hiện nay, xu hướng chế tạo các mẫu UAV hiện đại cỡ nhỏ và siêu nhỏ, rất khó phát hiện và tiêu diệt, được quân đội nhiều nước sử dụng trong các nhiệm vụ: Trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ thị mục tiêu, làm mồi bẫy và tiến công... tạo ra những phương thức, thủ đoạn tác chiến mới, khó đối phó, nhất là chiến thuật tiến công cảm tử, kiểu bầy đàn. Đây là nhân tố mới trong tiến công đường không, gây ra mối đe dọa đầy thách thức với quốc phòng, an ninh và mở ra một cuộc cách mạng trong tác chiến đối không đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao cùng những khó khăn, thách thức mới cho các đơn vị phòng không-không quân (PK-KQ).

 Thiết bị chế áp các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: HOÀNG HẢI

Thiết bị chế áp các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: HOÀNG HẢI

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng UAV của địch trong mọi tình huống cho bộ đội, cần chú trọng giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Một là, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc sự phát triển và những âm mưu, thủ đoạn sử dụng UAV của các thế lực thù địch.

Nghiên cứu, đánh giá đúng về địch là vấn đề quan trọng đầu tiên trong mọi hoạt động tác chiến. Để tác chiến phòng, chống UAV hiệu quả, trước hết phải thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, nắm được tính năng, tác dụng, những điểm mạnh, yếu của từng kiểu loại UAV; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, lực lượng, tổ chức phản động sử dụng UAV... Đây là căn cứ quan trọng để tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng, bố trí thế trận, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), phương án tác chiến, cách đánh UAV đối với từng lực lượng, từng loại VKTBKT, trong các loại hình tác chiến một cách hợp lý, vững chắc. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu, nội dung cơ bản cần thiết để người chỉ huy xây dựng kế hoạch, hạ quyết tâm chiến đấu; là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tính năng, tác dụng của vũ khí, trang bị, trình độ, khả năng làm chủ VKTBKT; xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công đường không bằng UAV của địch, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Hai là, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, rộng khắp, kịp thời phát hiện và sẵn sàng tiêu diệt UAV trong mọi tình huống.

Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong tác chiến nói chung, trong phòng, chống UAV nói riêng. Để kịp thời phát hiện, chế áp, tiến tới đánh bại mọi cuộc tiến công bằng các UAV, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống, việc xây dựng hệ thống trận địa phòng không phòng, chống UAV phải đa dạng, bảo đảm được sự kết hợp của nhiều lực lượng, nhiều chủng loại vũ khí, khí tài, trang bị.

Trên cơ sở lực lượng của Quân chủng PK-KQ và tác chiến điện tử làm nòng cốt, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp, vững chắc. Phát triển các lực lượng công nghệ thông tin, trinh sát kỹ thuật bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các vùng, miền, thành phần, lực lượng, cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, có chiều rộng và chiều sâu, nhiều tầng, nhiều hướng, có thể đánh địch rộng khắp, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng chuyển hóa thế trận linh hoạt, đối phó kịp thời, hiệu quả với các UAV của địch trong mọi tình huống.

Thế trận phòng, chống UAV của các lực lượng phải nằm trong tổng thể thế trận phòng không các cấp, gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng không trong các khu vực phòng thủ, với nhiều thành phần, phương tiện khép kín vùng trời, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc. Chủ động phòng, chống và đánh địch từ xa đến gần; vừa có thể đánh rộng khắp vừa có thể đánh tập trung khi cần thiết, vừa có thể phòng tránh, bảo toàn lực lượng và cùng các lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng... sẵn sàng ngăn chặn, vô hiệu hóa, tiêu diệt các UAV của địch.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp xây dựng “thế trận phòng không lòng dân” vững mạnh. Phát huy tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo, báo động và tham gia ngăn chặn, đón đánh các UAV trên mọi địa bàn, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Ba là, nghiên cứu xây dựng chương trình, nội dung, tăng cường huấn luyện, diễn tập tác chiến phòng, chống UAV cho các đối tượng.

Chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện phải được biên soạn từ việc nghiên cứu đặc điểm, tính năng, kỹ chiến thuật của các UAV và vũ khí, khí tài, trang bị phòng, chống UAV gắn với nghệ thuật tác chiến, cách đánh của quân đội các nước trong các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang những năm gần đây... nhất là thực tiễn cuộc xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine, phù hợp với tổ chức biên chế, VKTBKT, phương pháp tác chiến, sát thực tiễn chiến đấu, nhiệm vụ, phương án, đối tượng, địa bàn tác chiến, cách đánh của từng lực lượng và nghệ thuật tác chiến PK-KQ.

Trước hết, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để bộ đội nắm được các kiểu loại, tính năng, tác dụng và âm mưu thủ đoạn của địch trong sử dụng UAV... Thực hiện tốt các nội dung huấn luyện về trinh sát, quan sát, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại VKTBKT mới, cải tiến, nhất là các thiết bị, khí tài chuyên dụng chế áp UAV. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tiễn; phát huy tối đa tính năng, kỹ chiến thuật của vũ khí, khí tài phòng, chống UAV trong huấn luyện các kíp chiến đấu, phân đội hỏa lực phòng không.

Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng tưởng định, tổ chức các cuộc diễn tập hiệp đồng giữa lực lượng PK-KQ của Quân chủng PK-KQ với lực lượng phòng không của các quân, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ... trong khu vực phòng thủ, địa bàn chiến lược và diễn tập chuyên ngành về thực hành xử lý tình huống phòng, chống UAV ở các cấp với quy mô khác nhau. Tích cực huấn luyện đêm, huấn luyện ngụy trang, nghi binh, huấn luyện cơ động, diễn tập tổng hợp với nhiều lực lượng tham gia nhằm góp phần nâng cao năng lực của chỉ huy các cấp, trình độ, khả năng chiến đấu của bộ đội, khả năng phối hợp hiệp đồng và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng phòng không trong tác chiến phòng, chống UAV.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mua sắm VKTBKT; nâng cao chất lượng nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp, thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài phòng, chống UAV.

Để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, đánh thắng mọi cuộc tiến công của địch bằng UAV đòi hỏi phải không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trọng tâm là hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất các loại VKTBKT về phòng, chống UAV; tăng cường đầu tư mua sắm, nghiên cứu, cải tiến, chế tạo, hiện đại hóa vũ khí, khí tài phòng, chống UAV phù hợp với điều kiện tác chiến và nghệ thuật quân sự Việt Nam... Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan sát, trinh sát phát hiện, nhất là các tổ hợp ra-đa, các đài quan sát phòng không, vọng quan sát mắt bằng khí tài quang học, khí tài trinh sát ảnh nhiệt và cảm biến âm thanh, lực lượng trinh sát kỹ thuật. Quan tâm đầu tư mua sắm các tổ hợp vũ khí tầm thấp đa năng, đáp ứng yêu cầu phát hiện từ sớm, từ xa các loại mục tiêu bay thấp, UAV siêu nhẹ, có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, tàng hình, tăng cường khả năng tác chiến ban đêm, tác chiến bảo vệ biển, đảo từ xa.

Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, cải tiến các loại vũ khí, khí tài, trang bị PK-KQ hiện có, nhất là một số loại VKTBKT thế hệ cũ có số lượng lớn; từng bước làm chủ về kỹ thuật, công nghệ thiết kế, chế tạo các loại khí tài trinh sát điện tử, trinh sát kỹ thuật, khí tài ngụy trang, nghi binh, chế áp vô tuyến bảo đảm cho phòng, chống UAV; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm nâng cao tính năng, tiến tới sản xuất các UAV làm nhiệm vụ tiến công các UAV của địch.

Trung tướng NGUYỄN VĂN HIỀN, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-doi-pho-voi-cac-phuong-tien-bay-khong-nguoi-lai-811019