Chủ động đón dòng đầu tư
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu nên kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lĩnh vực này ở nước ta vẫn được dự đoán sẽ sớm lấy lại 'phong độ' khi dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Song, điều này cũng phụ thuộc không nhỏ vào mức độ chủ động sẵn sàng 'đón bắt' của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Saiyda ViNa (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Thái Hiền
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực tế cho thấy, việc dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện và ngày càng rõ nét do ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Nhiều tập đoàn, công ty lớn tại những nước nhiều tiềm năng về tài chính và công nghệ như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều tỏ ra sốt sắng trước mục tiêu này và đang có những bước đi cụ thể, trong đó Việt Nam được coi là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, kết quả của quá trình cải cách liên tục, lợi thế về địa lý và sự ổn định, bền vững về thể chế của nước ta là những yếu tố hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là thời cơ để Việt Nam có thêm điều kiện sàng lọc, chọn ra những dự án công nghệ cao, kết hợp bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới nếu có định hướng đúng, sự chuẩn bị kỹ càng.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng hướng tới Việt Nam nhiều hơn, rõ hơn trên cơ sở đánh giá tích cực về tiềm năng, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Theo ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital chuyên về đầu tư và quản lý quỹ đầu tư, Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn, phù hợp và có thể đáp ứng mục tiêu đầu tư lâu dài của các công ty đa quốc gia. Đặc biệt, vừa qua Việt Nam còn “ghi điểm” ấn tượng trong khống chế, kiểm soát dịch Covid-19. Còn Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Takeo Nakajima tại Hà Nội thông tin, hiện 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Trước cơ hội này, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn thắt chặt quan hệ với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài tức là tận dụng cơ hội tiếp cận, nhập thiết bị và làm chủ công nghệ hiện đại; từ đó có thể phát triển bền vững trên thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, một số thành viên của Hiệp hội như Công ty TNHH Nhật Minh, Công ty TNHH Trí Cường... đang hợp tác tốt và là nhà cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp nổi tiếng như Canon, Samsung... Nếu có nhiều dự án đầu tư nước ngoài chính là thêm cơ hội để doanh nghiệp nội tiếp nhận công nghệ hiện đại để trưởng thành hơn trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, làn sóng dịch chuyển đầu tư sẽ diễn ra mạnh mẽ, trên diện rộng nhưng thời cơ luôn đi cùng thách thức, vấn đề là tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Phải làm cho nhà đầu tư cảm nhận được sự an toàn và tiềm năng để quyết định đầu tư. Ngoài ra, chính sách về thu hút đầu tư, cách ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài cũng phải nhất quán, toàn diện, minh bạch hơn để cạnh tranh được với một số quốc gia cũng đang trong cuộc đua thu hút dòng vốn quốc tế như Ấn Độ hay Indonesia...
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự suy giảm trong kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua chỉ là tạm thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh sớm chuyển biến tích cực thì làn sóng dịch chuyển đầu tư cũng sớm diễn ra. Bên cạnh đó, khi các hiệp định thương mại tự do được triển khai, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi cũng là tác nhân quan trọng, kích đẩy dòng vốn từ EU dịch chuyển vào Việt Nam. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, địa phương chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư, tăng tốc hoàn thiện cơ chế, quy hoạch, hạ tầng để sẵn sàng đón dòng vốn này.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/973723/chu-dong-don-dong-dau-tu