Chủ động đón FDI chất lượng cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện tiếp tục tăng so cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%. Đặc biệt, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong bảy tháng của 5 năm (2020-2024).

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Thực tế, đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam được hình thành từ nhu cầu gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... Trong đó, các tập đoàn công nghệ, chip bán dẫn hàng đầu thế giới cũng hướng tới Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn. Chỉ riêng Samsung (Hàn Quốc) đã mở rộng đầu tư lên quy mô 22 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam.

Khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư FDI đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Nhờ đó, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt ở mức 39-40 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ nét về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời là động lực thu hút thêm nhiều dự án lớn, là điều kiện để đón “sóng” đầu tư FDI chất lượng cao thời gian tới.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, thu hút vốn FDI của Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024, chất lượng dòng vốn FDI cũng tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi không ngừng, Việt Nam cần chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ có tính đột phá cao nhằm bảo đảm vị thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng, có tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Đáng lưu ý là Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển. Đặc biệt, vấn đề nhân lực công nghệ cao được xem là một thách thức không nhỏ.

Thực tế, số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam, như: Intel, LG... Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách. Do đó, Chính phủ cần có những đánh giá, xem xét cụ thể để biết chính sách nên thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Chuyên gia cho rằng, để thu hút FDI chất lượng cao, Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, sản xuất chip bán dẫn. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để hơn, không làm phát sinh thêm thủ tục, các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tránh nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Để xử lý triệt để các “điểm nghẽn”, các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá. Từ đó, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam so các nước trong khu vực, đồng thời, thể hiện rõ tinh thần rộng mở và đồng hành của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-don-fdi-chat-luong-cao-post479828.html