Chủ động đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới

Đổi mới trong công tác dạy học; thực hiện các giờ học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nhiều trường đã chủ động sẵn sàng đón nhận Chương trình GDPT mới.

Chuẩn bị tâm thế

Tại Trường THPT Yên Hòa, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sẵn sàng đón nhận và đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Các giáo viên tham gia nhiều đợt tập huấn, có nhiều buổi thảo luận, trao đổi về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Vấn đề cốt lõi là thực hiện tốt, có hiệu quả xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Cô Nhiếp nhận định: Nếu xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hiệu quả thì sau này khi có chương trình SGK mới, chúng ta sẽ đón nhận rất thuận lợi.

Cô Nhiếp cũng đề ra 5 nguyên tắc khi xây dựng kế hoạch nhà trường. Đầu tiên là bám sát nguyên tắc giáo dục nói chung, đồng thời phải có mục tiêu riêng của nhà trường. Thứ hai là phù hợp với nhà trường, địa phương. Không giảm bớt số giờ học, đảm bảo số giờ quy định. Đảm bảo tính logic và tính thống nhất giữa các môn và trong toàn bộ hoạt động giáo dục của nhà trường. Cuối cùng là nguyên tắc rút kinh nghiệm sau 1 năm thực hiện.

Các thầy cô có thể rà soát nội dung chương trình SGK, cập nhật kiến thức thông tin mới phù hợp, có thể cấu trúc, sắp xếp lại những nội dung sao cho chương trình tốt hơn, logic hơn. Ví dụ như môn Vật lý và môn Hóa học có phần trùng nhau (phần điện phân), nếu Vật lí đã dạy thì Hóa học không dạy nữa, điều này các thầy cô có thể hoàn toàn chủ động.

Cô Nhiếp chia sẻ: Năm đầu tiên các thầy cô thực hiện việc này còn cơ học nhưng bắt đầu từ năm thứ 2 thứ 3, các thầy cô đã mạnh dạn thực hiện.

Theo cô Nhiếp, kế hoạch giáo dục nhà trường thực chất là tổng hợp kế hoạch giáo dục của môn học. Từ đầu năm học, các thầy cô đã nắm bắt được kế hoạch của bộ môn, mỗi bộ môn có bao nhiêu chuyên đề đơn môn, có bao nhiêu hoạt động trải nghiệm sáng tạo, bộ môn nào chịu trách nhiệm chính nên chủ động triển khai thực hiện.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đổi mới không phải là quá khó

Có mặt tại giờ dạy học theo hướng tiếp cận đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông của cô Nguyễn Thị Thùy An - Trường THCS Ba Đình (Quận Ba Đình, Hà Nội), mọi người thấy đây là tiết học thú vị, học sinh được làm chủ lớp học, được tự do trình bày những ý kiến, quan điểm của mình.

Để thực hiện tiết dạy bài thơ Quê hương của nhà thơ Tế Hanh (môn Ngữ văn lớp 8), cô An đã dành nhiều thời gian để soạn bài, sưu tầm bài thơ, ca khúc viết về quê hương. Thêm vào đó, cô đã chuẩn bị phiếu học tập, máy chiếu, giá trưng bày sản phẩm của các nhóm. Học sinh trong lớp cũng được cô hướng dẫn soạn bài theo sách giáo khoa, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, làm bài tập dự án theo nhóm.

Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Trãi Trần Thị Hồng Lý cho biết: Với cách dạy trước đây nghiêng về phát hiện phân tích bình luận thì ở đây cô giáo đã truyền cảm hứng, chú trọng khơi gợi cảm xúc của các con. Các câu hỏi được cô đưa ra cho học sinh thảo luận như: Con ấn tượng với hình ảnh nào nhất, cảm nhận, liên tưởng suy nghĩ thế nào đã gợi được cảm xúc của học sinh, giúp các con có được kĩ năng cảm nhận được cảm xúc của tác giả, liên tưởng để từ đó bộc lộ cảm xúc của cá nhân mình.

Qua tiết dạy của cô An, nhiều cô giáo tham gia dự giờ cho rằng: Với những nội dung được thực hiện qua tiết dạy, nếu giáo viên có đầy đủ khả năng, bản lĩnh và dám thay đổi thì hoàn toàn có đủ tâm thế để bước vào thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Mọi thứ không phải quá khó, các thầy cô hoàn toàn có thể làm được với những tình cảm và kĩ năng của mình.

Từ nhiều năm qua, các tiết dạy mẫu tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Từ đầu năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai tới tất cả các phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố, các trường trực thuộc, các giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình giáo dục tổng thể.

Ngành cũng lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các chuyên gia, nhà chuyên môn về giáo dục, các thành viên trong hội đồng biên soạn chương trình; trao đổi về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo thành phố về các điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, thành phố đã thông qua đề án cho xây mới, bổ sung thêm 222 trường, lớp với tổng kinh phí đầu tư 5.549,2 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư hàng năm cho việc mua sắm cơ sở vật chất.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới trong công tác dạy và học; thực hiện phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tạo nền tảng thực hiện chương trình GDPT mới. Các nhà trường, các giáo viên Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-dong-don-nhan-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-3992123-b.html