Chủ động đủ nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân

Hơn 28.000 ha lúa vụ xuân 2023 của tỉnh hiện đã cơ bản được gieo cấy xong. Các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bón thúc lần một. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị thủy nông phục vụ trên địa bàn tỉnh bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng cho lúa hợp lý đối với từng biện pháp gieo cấy, gồm: lúa cấy và gieo thẳng.

Hơn 28.000 ha lúa vụ xuân 2023 của tỉnh hiện đã cơ bản được gieo cấy xong. Các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bón thúc lần một. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị thủy nông phục vụ trên địa bàn tỉnh bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng cho lúa hợp lý đối với từng biện pháp gieo cấy, gồm: lúa cấy và gieo thẳng.

Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm chịu trách nhiệm tưới, tiêu nước cho 5.750 ha lúa xuân trên địa bàn. Trong đó, diện tích tưới chủ động 1.755 ha, còn lại là tạo nguồn và tạo nguồn một phần. Vụ này, người dân các địa phương trong huyện áp dụng đa dạng các biện pháp gieo cấy, với khoảng 2.500 ha lúa cấy (cấy bằng máy, cấy tay) và hơn 3.200 ha lúa gieo thẳng. Một số diện tích lúa được người dân gieo cấy sớm từ cuối tháng 1. Như vậy, việc chuyển trọng tâm sang chăm sóc cũng sớm khi rất nhiều diện tích khác mới cấy.

Để phục vụ nước tưới dưỡng cho lúa, Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm điều hành linh hoạt hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Theo đó, hệ thống các trạm bơm được lên lịch bơm tưới sát với thực tế sản xuất trên mỗi vùng, mỗi cánh đồng. Các HTXDVNN chủ động bơm tưới cho những diện tích lúa nhỏ lẻ cần tưới dưỡng sớm...

Công nhân Trạm bơm Nga Nam (Thanh Liêm) kiểm tra máy bơm trong quá trình vận hành bơm tưới nước dưỡng lúa xuân.

Công nhân Trạm bơm Nga Nam (Thanh Liêm) kiểm tra máy bơm trong quá trình vận hành bơm tưới nước dưỡng lúa xuân.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm cho biết: Việc người dân áp dụng nhiều hình thức gieo cấy và không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình phục vụ nước tưới. Vì thế, đơn vị phải điều hành linh hoạt trong quá trình tưới dưỡng, bảo đảm không để ngập úng những diện tích lúa mới gieo thẳng…

Hiện nay, các trạm bơm trên địa bàn tỉnh đều đã hoạt động phục vụ tưới dưỡng cho lúa xuân, gồm cả các trạm bơm của Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Nam Hà và Hà Nam. Trạm bơm Đinh Xá (Công ty KTCTTL Hà Nam) đảm nhiệm tưới dưỡng cho khoảng 3.000 ha lúa xuân của huyện Bình Lục và một phần diện tích lúa của thành phố Phủ Lý đã vận hành nhập nước từ ngày 22/2. Do lượng nước tưới dưỡng không cần nhiều nên trạm chia nhỏ các đợt vận hành từ 1 – 2 ngày/lần.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ vận hành trạm bơm Đinh Xá cho biết: Trạm bơm vận hành tưới dưỡng theo thời vụ và sinh trưởng của lúa mới cấy. Do diện tích gieo cấy không đồng đều, trong đợt này trạm bơm vận hành tưới mỗi lần cách nhau khoảng 3 – 4 ngày, khả năng cả đợt kéo dài từ 15 – 20 ngày.

Gieo cấy lúa xuân ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Gieo cấy lúa xuân ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Vụ lúa xuân này các địa phương áp dụng các hình thức gieo thẳng, lúa cấy đan xen trên từng vùng, từng cánh đồng diễn ra khá phổ biến. Thậm chí có cả tình trạng lúa cấy ở chân đất cao, gieo sạ ở ruộng thấp. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi được xây dựng phục vụ đồng bộ, liên vùng, rất khó phục vụ riêng cho từng cánh đồng, từng địa phương, nhất là các hệ thống thủy lợi lớn.

Ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty KTCTTL Hà Nam cho biết: Nguồn nước trên các sông hiện khá dồi dào, thuận lợi cho việc bơm tưới. Tuy nhiên, với nhiều hình thức gieo cấy đan xen rất khó khăn bởi ngay tại một vùng lúa cấy cần nước tưới dưỡng, trong khi lúa gieo thẳng lại chưa được đưa nước vào. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương để chủ động tưới dưỡng phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt, không ảnh hưởng đến lúa mới gieo thẳng.

Được biết, để bảo đảm việc lấy nước tưới dưỡng cho lúa xuân, Công ty KTCTTL Hà Nam đã phối hợp với Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà vận hành các trạm bơm lớn. Đồng thời, điều hành các trạm bơm trên địa bàn phù hợp với sinh trưởng của lúa mới cấy tại từng vùng, từng địa phương. Trong quá trình tưới dưỡng cho lúa, đơn vị yêu cầu công nhân vận hành điều tiết các cống trên kênh bảo đảm không để úng hoặc thiếu nước. Với những diện tích nhỏ lẻ, xen kẽ, trước đó công ty đề nghị các HTXDVNN trong quá trình rút nước gieo cấy giữ nước trên kênh để chủ động có nguồn tưới dưỡng. Cùng với đó, đơn vị tạo nguồn tưới vào các kênh để HTXDVNN và người dân hoạt động các trạm bơm nhỏ nội đồng, máy bơm cá nhân. Công ty KTCTTL Hà Nam luôn duy trì mực nước trên các kênh tại khu vực Nam Hà Nam đạt từ 0,8 – 1m; khu vực huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên từ 1,1 – 1,2m đủ nguồn nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa xuân. Hệ thống thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý chủ động điều tiết nhập nước triều trên sông Hồng và sông Đáy cho các trạm bơm trong vùng hoạt động.

Hiện nay, thời tiết thuận lợi để lúa xuân mới cấy sinh trưởng và phát triển. Việc bảo đảm nước tưới dưỡng lúa giúp người dân chăm sóc tập trung, nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh, đạt tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao. Đây là yếu tố quan trọng để vụ sản xuất thắng lợi.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/chu-dong-du-nguon-nuoc-tuoi-duong-lua-xuan-95865.html