Chủ động duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông trước mùa mưa bão

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo thiên tai, mưa bão năm 2020 sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là những tháng cuối năm. Để chủ động trước tình hình này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị chỉ đạo Ban Quản lý, bảo trì giao thông và các đơn vị quản lý giao thông khác trên địa bàn tỉnh khẩn trương duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông trước mùa mưa bão.

 Bảo trì tuyến Quốc lộ 15D trước mùa mưa bão -Ảnh: T.L

Bảo trì tuyến Quốc lộ 15D trước mùa mưa bão -Ảnh: T.L

Phó Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì giao thông (QLBTGT) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ban thực hiện công tác bảo trì hơn 434 km đường bộ (gồm 5 tuyến quốc lộ dài hơn 126 km; 21 tuyến đường tỉnh dài hơn 263 km; 24 tuyến đường nội thị dài hơn 45km) và 4 tuyến đường thủy nội địa dài hơn 133 km (gồm 3 tuyến trung ương dài hơn 110 km; 1 tuyến địa phương dài gần 23 km). Cùng với đó công tác phòng, tránh, thích ứng, ứng phó kịp thời và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại trên tại các tuyến đường bộ, đường thủy, công trình đang thi công luôn được ban quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trước mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ của năm. Sở chỉ đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Thanh tra Sở, Ban QLBTGT và các đơn vị quản lý kiểm tra, bảo trì vật tư dự phòng bão lũ và hệ thống nhà hạt, trạm, kho trước mùa mưa lũ. Các thiết bị, máy móc luôn trong tư thế sẵn sàng để có mặt tại các vị trí xung yếu nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố do thiên tai gây ra, không để ách tắc giao thông, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.

Thực tế cho thấy các tuyến và các công trình do ban quản lý trải dài trên các địa phương của tỉnh, mỗi tuyến có đặc điểm khí hậu, điều kiện địa hình khác nhau nên mức độ ảnh hưởng do bão lũ gây ra cũng khác nhau và rất phức tạp. Trên Quốc lộ 15 D mỗi mùa mưa bão có hàng nghìn khối đất đá sạt rơi xuống lấp kín mặt đường gây ách tắc giao thông. Việc khắc phục các điểm sạt lở này gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm vì trên cao vẫn còn nhiều tảng đá lớn có thể rơi xuống mặt đường bất cứ lúc nào. Với tổng chiều dài hơn 12 km, quốc lộ này có 6 km ta luy dương là nhiều vách núi dựng đứng. Sau mỗi lần mưa bão, lũ lụt gây sạt lở, các công ty quản lý đã huy động nhân lực, phương tiện khắc phục, kịp thời thông xe trong thời gian sớm nhất nhưng trên toàn tuyến vẫn còn tồn tại nhiều tảng đá nặng hàng trăm tấn nằm dọc mặt đường và nằm lơ lửng trên cao. Để giải quyết tình trạng này, các đơn vị quản lý phải đánh mìn, phá đá và thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ để từng bước hạn chế tình trạng sạt lở đất đá trên tuyến đường trọng yếu Quốc lộ 15D.

Một điểm nhấn quan trọng trong công tác chủ động duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông là để đảm bảo độ bền vững của các công trình cũng như hệ thống phụ trợ, các đơn vị quản lý đường bộ đã lên phương án kiểm tra nhằm sửa chữa chi tiết từng đoạn tuyến trên đường bộ, đường thủy; đặc biệt các tuyến hay bị ngập lụt, sạt lở. Ngoài ra thường xuyên chủ động kiểm tra kỹ thuật các cầu yếu và các điểm xung yếu trên các tuyến, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão. Các công ty quản lý đã chủ động hoàn thành công tác đào, vét rãnh dọc và rãnh ngang, khơi thông đầu cống và lòng cống, bạt lề 2 bên đường, tạo độ dốc thuận lợi cho tiêu thoát nước; phát quang cây cối cản trở tầm nhìn tại các đầu cầu, cống; trải thảm mặt đường tại các điểm phát sinh ổ gà, nứt gãy mặt đường; bổ sung cọc tiêu, cảnh báo các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm. Ban cũng chỉ đạo, tại các công trình đang thi công dở dang, các đơn vị thi công tranh thủ thời gian những ngày nắng đẩy nhanh tiến độ và xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra.

Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết, một yêu cầu luôn được thực hiện kịp thời trong công tác chủ động duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không có người trực bão lũ cũng như có trực nhưng nắm số liệu chung chung và báo cáo không đúng thời gian quy định. Các đơn vị quản lý cần duy trì đủ quân số, thiết bị ứng chiến 100% để phòng chống bão lụt một cách tốt nhất; phải chủ động tăng cường tuần tra hằng ngày trên tất cả các tuyến, chú ý các vị trí xung yếu như các đoạn ngập lụt, cây đổ, sụt lở ta luy âm, dương để kịp thời nắm bắt, báo cáo tình hình diễn biến và mức độ thiệt hại do bão lụt lên Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt của sở.

Khi có sự cố xảy ra trong mưa bão, lũ lụt, các đơn vị cần chủ động phân luồng đảm bảo giao thông luôn được thông suốt. Khắc phục, sửa chữa kịp thời các vị trí sạt lở, ít nhất đủ một làn xe, phương tiện đi lại an toàn. Với những đoạn tuyến hay công trình bị hư hỏng nặng phải làm rào chắn, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông hợp lý.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151624