Chủ động giải pháp trước nguy cơ ùn tắc đăng kiểm
Mặc dù hoạt động kiểm định xe cơ giới đã cơ bản được khôi phục trở lại trong năm 2024 nhưng nguy cơ ùn tắc vẫn còn hiện hữu, nhất là vào giai đoạn cuối năm.
Lĩnh vực này đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực khi không ít đăng kiểm viên có thể bị thu hồi chứng chỉ vì liên quan đến các vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xét xử. Để bảo đảm công tác đăng kiểm không bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, cần phải có giải pháp chủ động trước các tình huống.
Nỗi lo hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động
Sau giai đoạn thấp điểm tháng 8-2024, dự báo, lượng phương tiện đến hạn kiểm định sẽ gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) dự báo, tháng 12-2024, nhu cầu kiểm định toàn quốc có thể đạt hơn 460.000 lượt phương tiện, trong đó, tại Hà Nội khoảng hơn 82.000 lượt và TP Hồ Chí Minh hơn 66.000 lượt. Cả nước hiện có 276 trên tổng số 297 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 455/550 dây chuyền kiểm định, công suất kiểm định tối thiểu hơn 600.000 phương tiện một tháng, trong điều kiện hoạt động bình thường hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định. Tuy nhiên, do việc phân bố các trung tâm đăng kiểm không đồng đều, nơi tập trung nhiều, nơi ít, cùng với việc các phương tiện được tự động gia hạn sẽ đến hạn kiểm định, phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây sẽ kiểm định trở lại dẫn đến nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào cuối năm 2024.
Đáng chú ý, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại nhiều địa phương được đưa ra xét xử sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định. Hiện nay, có hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, chiếm hơn 44% tổng số đăng kiểm viên. Theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Trung tâm đăng kiểm có từ hai đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Áp dụng quy định này, dự báo 91 trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động. Cả nước có 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Việc này sẽ ảnh hưởng và thậm chí dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), dự báo, tháng 10-2024 có thể hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa do bị đình chỉ hoạt động khi các bản án của tòa án có hiệu lực. Năng lực kiểm định phương tiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 6.000 lượt phương tiện/tháng, cách rất xa so với nhu cầu. Tình trạng ùn tắc chắc chắn sẽ xảy ra nếu không cải thiện được năng lực kiểm định phương tiện, thậm chí ùn tắc nghiêm trọng hơn đầu năm 2023.
Quân đội sẵn sàng hỗ trợ cho kiểm định xe cơ giới dân sự
Nhìn nhận trước tình huống tại TP Hồ Chí Minh, các trung tâm đăng kiểm có thể phải đóng cửa ít nhất 3 tháng do đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, phương án tối ưu nhất là sửa đổi quy định theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện và trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP với đề xuất tạm thời không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề. Không tạm đình chỉ đối với các đơn vị đăng kiểm có từ hai đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.
Bên cạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lại hoạt động của trung tâm đăng kiểm để đáp ứng nhu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề nghị hỗ trợ nhân lực từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho công tác kiểm định phương tiện. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng bày tỏ mong muốn được phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan chức năng để thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm định phương tiện.
Đại tá Nguyễn Năng Thắng, Phó cục trưởng Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) cho biết, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ kiểm định xe cơ giới dân sự, sẵn sàng điều động nhân lực cho công tác này. Vừa qua, Cục Xe-Máy đã tăng cường tập huấn, tổ chức hội thi để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của cán bộ, kiểm định viên. Bên cạnh đó, các cơ sở đăng kiểm của Bộ Quốc phòng cũng được quan tâm đầu tư, trong đó có các dây chuyền di động để kiểm định phương tiện. Vì vậy, ngoài nhân lực, Bộ Quốc phòng có thể hỗ trợ cho công tác kiểm định xe cơ giới dân sự về trang thiết bị, tổ chức thêm dây chuyền kiểm định.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới đào tạo nâng cao. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Cùng với đó, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng kiểm, tiến tới cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử, bảo đảm minh bạch, chống làm giả và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về công nghệ kiểm định để hoàn thiện hơn nữa quy trình đăng kiểm, tạo sự nhanh chóng, thuận lợi cho người dân.