Chủ động giải pháp ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn ở Yên Lạc

Chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo phát triển KT-XH ổn định trên địa bàn, ngay từ đầu năm, huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch, xác định các công trình, vị trí, khu vực trọng điểm, xung yếu để có phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn huyện Yên Lạc diễn tập thực binh hỗ trợ người dân sơ tán tài sản, tổ chức tìm kiếm người mất tích, trục vớt tài sản bị lũ cuốn trôi. Ảnh Thế Hùng

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn huyện Yên Lạc diễn tập thực binh hỗ trợ người dân sơ tán tài sản, tổ chức tìm kiếm người mất tích, trục vớt tài sản bị lũ cuốn trôi. Ảnh Thế Hùng

UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ huyện đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức đôn đốc, kiểm tra công tác PCTT&TKCN; trực tiếp điều hành, chỉ huy các hoạt động PCTT&TKCN khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, huy động lực lượng cán bộ, công nhân, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tham gia PCTT&TKCN theo cấp báo động và lệnh của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện.

Thành lập đội xung kích gồm 110 người; đội giao thông hỏa tốc từ huyện đến các xã, thị trấn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện hiệp đồng cụ thể với các đơn vị quân sự ở tỉnh đảm bảo số lượng, thành phần phối hợp tổ chức PCTT&TKCN khi có tình huống xảy ra.

Về vật tư, phương tiện phục vụ cho PCTT&TKCN đã được chuẩn bị đủ về số lượng và sẵn sàng huy động. Đồng thời, thường xuyên thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai trên hệ thống loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động để người dân biết rõ, đoàn kết phối hợp giúp nhau trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra...

Với sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai, trong đợt mưa lớn lịch sử từ ngày 22-24/5/2022 vừa qua, dù trên địa bàn tỉnh có 6 người thiệt mạng, 2 người bị thương, hàng trăm nhà dân bị ngập úng, một số đoạn kè bị sạt lở, hư hỏng… nhưng trên địa bàn huyện Yên Lạc không có thiệt hại về người, công trình giao thông, nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trước khi mưa lớn xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ban hành các văn bản về việc chủ động ứng phó với mưa dông, lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh để chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ thời tiết; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó khắc phục thiên tai.

UBND các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, dụng cụ, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập úng.

Trong và sau khi mưa lớn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT&TKCN tại cơ sở và địa bàn được phân công phụ trách.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn bố trí cán bộ, nhân lực thường trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời.

Cùng với đó, các cơ quan thường trực của huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN 3 Cụm Đồng Cương, Nguyệt Đức, Liên Châu tổ chức thường trực 24/24 giờ để theo dõi nắm bắt chặt chẽ mực nước tuyến đê Sáu Vó và công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Cụm, báo cáo kịp thời mọi diễn biến với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện định kỳ vào 7 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút hằng ngày; khi có tình huống báo cáo đột xuất kịp thời và đề xuất các biện pháp ứng phó.

Huy động lực lượng trên 200 Đoàn thanh niên huyện gồm Công an, Quân sự, các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội huyện giúp nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu tại các xã Đồng Cương, Yên Phương, Bình Định, thị trấn Yên Lạc.

Các xã, thị trấn đã huy động hơn 1.500 nhân công và huy động các phương tiện, vật tư máy xúc, máy bơm, thuyền…giúp nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, đắp bờ bao…

Cuộc diễn tập ứng phó bão, lụt và TKCN huyện Yên Lạc năm 2022 tại điếm canh Đê tả sông Hồng, thôn Yên Thư, xã Yên Phương đầu tháng 7 vừa qua đạt kết quả xuất sắc, được Ban chỉ đạo diễn tập đánh giá cao về công tác quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ diễn tập đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó bão, lụt và TKCN; chủ động phối hợp với cơ quan Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng đầy đủ các văn kiện luyện tập, diễn tập sát thực tế, có chất lượng; cùng cơ quan Ban Chỉ đạo xác định khu vực tổ chức luyện tập, diễn tập phù hợp; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình trong luyện tập; huy động đầy đủ lực lượng, phương tiện tham gia luyện tập theo kế hoạch.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia tích cực trong luyện tập.

Theo dự báo năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ có diễn biến cực đoan hơn; mưa, bão, lũ không tuân theo quy luật, với cường độ và tần suất lớn hơn, ngập úng nhiều hơn.

Để chủ động phòng chống và ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ có thể gây ra lũ, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất trong mùa mưa bão năm 2022, huyện Yên Lạc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình từng khu vực, làm tốt công tác dự báo cho từng địa bàn; sẵn sàng, chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”…

Bài, Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81215/chu-dong-giai-phap-ung-pho-bao-lut-va-tim-kiem-cuu-nan-o-yen-lac.html