Chủ động giám sát bệnh đậu mùa khỉ
Chưa ghi nhận ca bệnh
Thời gian gần đây, một số quốc gia trên thế giới xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ làm không ít người dân lo lắng. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ là do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật, có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người nhưng ít lây truyền hơn và gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, ít nguy cơ tử vong. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 4 tuần. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5 - 21 ngày nhiễm bệnh.
“Triệu chứng của người mắc đậu mùa khỉ thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Một số triệu chứng đặc hiệu giúp bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và đậu mùa khỉ là khi người bệnh bị sốt, vi rút đậu mùa khỉ phát ban khó chịu. Các vết phát ban bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Cơ thể người bệnh bị rát, sau đó sẩn (tổn thương nổi), đến mụn nước (chứa dịch) và sau cùng là mụn mủ. Các vết tổn thương sẽ đóng vảy trước khi rụng, khỏi bệnh và để lại sẹo”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
Diễu hành tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Hiện nay chưa xác định tình trạng người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bệnh đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay kết quả một số nghiên cứu cho thấy vắc xin đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin phòng bệnh đậu mùa, đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Tới thời điểm ngày 18-7- 2022, WHO không khuyến cáo việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin phòng đậu mùa, đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Trong hơn 7 tháng năm 2022, thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Chủ động giám sát ca bệnh
Đến thời điểm hiện nay, tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng trước khuyến cáo của WHO, ngành y tế không chủ quan với dịch bệnh mà đẩy mạnh giám sát, chủ động các tình huống.
Nhằm ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế tỉnh chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa ca mắc và tử vong. “Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân biết các triệu chứng như phát ban, bóng nước, mụn mủ… cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để thăm khám, xét nghiệm. Trước đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường nghiên cứu các trường hợp liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ để triển khai các biện pháp giám sát, xử lý phù hợp. Đặc biệt, các đơn vị chú trọng trường hợp về từ quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi). Trên cơ sở đó, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đều được điều tra, nếu được chẩn đoán là xác định thì phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.
Song song với công tác tuyên truyền, ngành y tế tỉnh cũng tập huấn cho cán bộ y tế về phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở y tế và chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh. Đặc biệt, ngành chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán. r
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chu-dong-giam-sat-benh-dau-mua-khi-a276786.html