Chủ động hàng hóa ứng phó thiên tai, dịch bệnh

ĐBP - Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và trong mùa mưa lũ, Sở Công Thương đã chủ động chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn hàng hóa. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa, nhất là tại khu vực phải thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19 và các địa bàn bị ảnh hưởng do thiên tai trong mùa mưa lũ.

Siêu thị Hoa Ba đã nhập tăng số lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân trong phòng dịch.

Sở Công Thương đã tăng cường công tác dự báo nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, tình hình giá cả nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, phương án phòng chống lụt bão, thiên tai; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện tốt việc chủ động dự phòng tại chỗ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết khác… Hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo dự trữ đủ lượng hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, thuốc men, vật tư y tế và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Hiện nay các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức khai thác, dự trữ đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu của các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có khả năng bị chia cắt.

Đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã dự trữ hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: 65.000 thùng mỳ tôm; 350 tấn gạo; 4.000 thùng nước uống đóng chai; 300m3 xăng E5, 300m3 dầu diezel, 10m3 dầu hỏa; 2.000 tấm tôn lợp, 1 tấn đinh vít, 9 tấn dây thép 2 ly… Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, đo lường hàng hóa, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đối với nhóm lương thực dự kiến nhu cầu tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm khoảng 30.132 tấn (khả năng đáp ứng của tỉnh khoảng 64.227 tấn). Đối với nhóm nông sản, thực phẩm tươi sống, dự kiến nhu cầu tiêu thụ khoảng 8.184 tấn thịt và 4.826 tấn cá, trong khi đó khả năng đáp ứng của tỉnh khoảng 11.608 tấn thịt các loại và 2.107 tấn cá. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau, củ, quả của người dân trong những tháng cuối năm hơn 10.410 tấn. Tỉnh ưu tiên sử dụng nguồn cung và dự trữ từ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực trên địa bàn; trường hợp nguồn cung dự trữ trong tỉnh bị đứt gãy sẽ huy động nguồn cung từ các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, dự kiến nhu cầu tiêu thụ hơn 3.700 kiện mỳ tôm, bún, phở khô; hơn 2.200 tấn đường, sữa, bánh kẹo; 1.116 lít dầu ăn... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của của nhân dân, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh đầu mối tăng số lượng nhập hàng hóa từ các đơn vị cung ứng ngoài tỉnh.

Trên cơ sở dự báo, đánh giá nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân, UBND tỉnh xây dựng phương án ứng phó với các trường hợp. Cụ thể, ở cấp độ 1 khi số người cần cách ly tập trung (F1) dưới 2.500 người, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân, nhưng có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, kịch bản ứng phó là đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng không gom dự trữ tránh hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn chuẩn bị nhân sự, phương tiện vận chuyển, sẵn sàng điều tiết, luân chuyển hàng hóa. Trường hợp trong khu vực cách ly không có điểm bán hàng thiết yếu thì yêu cầu các đơn vị cung ứng tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu nhân dân.

Trường hợp cấp độ 2 khi số người cần cách ly tập trung lên đến 5.000 người, nhu cầu mua hàng hóa tăng cao, hoạt động sản xuất tại một số đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng do nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Khi đó ngoài việc chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp điều tiết nguồn hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm, khai thác nguồn hàng; đồng thời hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng dịch bệnh. Với cấp độ 3, số người cách ly từ 5.000 người trở lên, huy động nguồn lực xã hội, các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện công tác cung ứng hàng hóa liên tục, không để gián đoạn. Trường hợp nguồn cung trong tỉnh không đủ, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ. Nếu công bố tình hình khẩn cấp, đề xuất biện pháp trưng mua hàng hóa khi nguồn cung hàng quá khan hiếm...

Bài, ảnh: Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/188159/chu-dong-hang-hoa-ung-pho-thien-tai-dich-benh