Chủ động hơn nữa trong ứng phó với thiên tai

Từ đầu năm đến nay, thiên tai (TT) diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Ước tính, TT gây thiệt hại trên 1.800 tỷ đồng, trong đó, riêng tháng 7, TT làm 49 người chết và mất tích chủ yếu do lũ quét và sạt lở đất, thiệt hại kinh tế gần 800 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, TT xảy ra ngày càng khốc liệt, các địa phương cần phải chủ động, sẵn sàng hơn nữa trong ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do TT gây ra.

BĐBP Điện Biên triển khai lực lượng giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khắc phục hậu quả trận lũ quét kinh hoàng ngày 25/7. Ảnh: Văn Toan

BĐBP Điện Biên triển khai lực lượng giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khắc phục hậu quả trận lũ quét kinh hoàng ngày 25/7. Ảnh: Văn Toan

102 người chết do thiên tai

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều loại hình TT đã xảy ra trên các vùng miền, trong đó, một số loại hình TT lớn, diện rộng như: Mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn... gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Tháng 7 được đánh giá là tháng xảy ra TT khốc liệt nhất tính từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng trong tháng 7, trên cả nước xảy ra 13 loại hình TT bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở khu vực Bắc Bộ; dông lốc, sét xảy ra tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; sạt lở, sụt lún đất xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; gió mạnh trên biển Đông; động đất tại tỉnh Thanh Hóa và Kon Tum.

Điển hình, từ ngày 1 đến ngày 13/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to, có nơi mưa rất to, trong đó, trạm Tân Lập, huyện Bắc Quang mưa 1.568mm. Rạng sáng 13/7, mưa lớn gây sạt lở quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, làm 11 người chết, 4 người bị thương. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 21-25/7, khu vực Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to, có nơi trên 300mm như: Km46 (Sơn La) 357mm; Mường Pồn (Điện Biên) 350mm; Xuân Mai (Hà Nội) 559mm; Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 836mm. Mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt ở các khu vực đồng bằng, nghiêm trọng nhất tại Chương Mỹ và Quốc Oai (thành phố Hà Nội). Lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm 18 người chết, mất tích.

Tại tỉnh Sơn La, ngày 24/7 xảy ra sạt lở, lũ quét làm 10 người dân ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La chết. Còn tại tỉnh Điện Biên, rạng sáng ngày 25/7, lũ quét làm 4 người chết, 3 người mất tích ở huyện Điện Biên. Một đợt mưa lớn khác ghi nhận tại khu vực Bắc Bộ từ ngày 28 đến 31/7 với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 300mm đã gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất làm 8 người chết, mất tích.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 7, TT làm 49 người chết, mất tích; 204 nhà sập, đổ; 2.230 nhà hư hỏng, tốc mái; gần 25.000ha lúa, hoa màu, cây trồng khác bị ảnh hưởng, thiệt hại; 876 con gia súc, 36.834 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 11,4km đê, bờ bao, kênh mương, 1,5km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng; 36,33km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng trên 830.000m3 đất, đá, bê tông. Tổng thiệt hại ước tính bước đầu trên 794 tỷ đồng.

Cần chủ động hơn trong ứng phó

Thực tế, công tác phòng ngừa, ứng phó với TT đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng, thể hiện ở việc tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn; triển khai các đề án liên quan đến công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030. Bên cạnh đó, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã được cung cấp kịp thời nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro TT và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đồn Biên phòng Chi Ma cung cấp

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đồn Biên phòng Chi Ma cung cấp

Từ đầu năm đến ngày 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 chỉ thị, 12 công điện chỉ đạo ứng phó TT. Từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2024, Ban Chỉ đạo và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành 7 công điện, 25 văn bản chỉ đạo ứng phó TT, vận hành hồ chứa. Từ ngày 1/7 đến ngày 31/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và PCTT ban hành 28 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó TT, đảm bảo an toàn đê điều và điều hành hồ chứa.

Để công tác PCTT được liên tục và đạt hiệu quả cao nhất, các cấp Bộ, ngành, UBND các địa phương đã rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và phòng thủ dân sự các cấp theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó, lực lượng vũ trang được xác định là lực lượng nhanh nhất, mạnh nhất, kịp thời nhất để ứng phó thiên tai và các tình huống xấu.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, TT sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt, tình hình mưa bão, lũ lụt sẽ khốc liệt hơn do ENSO chuyển từ El Nino sang La Nina. Để ứng phó hiệu quả với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, các bản tin dự báo thời tiết liên tục được cập nhật, các địa phương cần sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Trước mắt, cần khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Cùng với đó, cần tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Quan trọng nhất là tăng cường cung cấp thông tin về diễn biến của mưa lớn, bão lũ đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Từ đầu năm đến hết ngày 31/7, TT đã làm 102 người chết, mất tích; 69 người bị thương; hơn 1.100 nhà sập, đổ; hơn 35.400 nhà hư hỏng, tốc mái. TT cũng làm hơn 47.000ha lúa, hoa màu, 21.100ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, thiệt hại; hơn 2.300 con gia súc, 53.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về cơ sở hạ tầng, 15km đê, bờ bao, kè, kênh mương; 4,9km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng; trên 69km đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng trên 1 triệu m3 đất, đá, bê tông. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.800 tỷ đồng.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-hon-nua-trong-ung-pho-voi-thien-tai-post479927.html