Chủ động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự
Năm qua, Cục Cảnh sát hình sự đã bám sát kế hoạch công tác đối ngoại và chương trình hợp tác quốc tế của Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời chủ động, linh hoạt điều chỉnh các hoạt động thích ứng với diễn biến của tình hình trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với Cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật các nước. Qua đó, đạt được những kết quả tích cực trong triệt phá các vụ án, bắt giữ đối tượng lẩn trốn ở nước ngoài.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Năm 2024, Cục Cảnh sát hình sự đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối và định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước và mọi chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đi vào chiều sâu...
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; cũng như nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin về người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài; hợp tác song phương, đa phương với các nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đáng chú ý, năm 2024, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Công an các địa phương, đồng thời trực tiếp đấu tranh nhiều chuyên án tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; phối hợp với Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Cơ quan Thường trực Bộ Công an tại Campuchia và Lào, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương, nhất là các địa phương có đường biên giới tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng các nước trong thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, các vụ án giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp... Điển hình, triệt phá chuyên án băng nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia hoạt động mua bán, tàng trữ trái pháp vũ khí quân dụng do Phạm Đức Kiểm (SN 1970, tức "Bình Kiểm") cầm đầu.
Cũng theo Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Ngọc Hà, hiện nay, hợp tác quốc tế với yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em đặt ra nhiều thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà cả các nước khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Cục Cảnh sát hình sự thông qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng đã chỉ đạo hệ lực lượng hình sự cần nhận diện tội phạm, định hình lại phương pháp phối hợp, hợp tác để đạt hiệu quả trong đấu tranh tội phạm và giải cứu nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài.
Hợp tác với các nước có chung đường biên giới, thấu hiểu để khắc phục những khó khăn trong khác biệt pháp luật, trao đổi thông tin, điều tra khám phá các vụ án mua bán người xuyên quốc gia, giải cứu nạn nhân bị đưa ra nước ngoài để ép hoạt động phạm tội. Những chuyên án điển hình gần đây đã đánh mạnh vào đường dây, ổ nhóm hoạt động phạm tội ở nước ngoài mà Phòng hình sự Công an các địa phương cũng như Cục Cảnh sát hình sự phối hợp triệt xóa bên Lào, Campuchia là minh chứng rõ nét nhất trong công tác phối hợp với lực lượng Cảnh sát các nước.
Việc bắt tội phạm ngay trên đất nước khác, phối hợp dẫn độ an toàn về Việt Nam để xử lý theo quy định pháp luật, khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm chính trị của Bộ Công an là xử lý tội phạm kiên quyết, hợp tác vượt khó khăn trở ngại để xử lý tội phạm, mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân và răn đe phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Về hợp tác trên cơ sở các hiệp định song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hằng năm Cục Cảnh sát hình sự báo cáo Bộ để mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trong 3 tháng (1/7 - 30/9), cùng với Bộ đội Biên phòng để tăng cường kiểm soát biên giới, phối hợp đối đẳng triệt xóa, bóc gỡ các đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế, cũng như trao trả nạn nhân và bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Trong 3 tháng cao điểm, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố điều tra 96 vụ mua bán người với gần 300 đối tượng, xác định, giải cứu gần 400 nạn nhân, tăng 19,44% số vụ so với cao điểm năm 2023.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu chủ động chuyển đổi số, tiếp nhận các nguồn thông tin đa dạng, hợp tác trong phòng, chống tội phạm, tham gia tập huấn và trực tiếp huấn luyện cho Cảnh sát Singapore về phòng, chống tội phạm mua bán người, lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; qua các trao đổi với Cảnh sát các nước, nhận diện biến thể thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng là tính tương tác, kết nối trực tiếp thao túng tâm lý nạn nhân, đây cũng là điểm khó khăn trong công tác phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.
Từ phát hiện này, Cục đã báo cáo Bộ, phối hợp với các đơn vị như: Văn phòng Bộ, Trung tâm Dữ liệu quốc gia dân cư, Văn phòng Cơ quan CSĐT xây dựng phần mềm "Người trợ lý ảo - phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng" với 5 tiện ích và gần 2.000 câu hỏi tương tác người dùng. Sau khi được phát hành vào tháng 6/2023 trên nền tảng Android, phần mềm đã có trên 25.000 lượt tải (trong đó trên 85%) là người dưới 18 tuổi và nhận được phản hồi tích cực...
Có thể nói, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm giữa Cục Cảnh sát hình sự với Công an các nước đã và đang đi vào chiều sâu, toàn diện và hiệu quả. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước có đông người Việt Nam sinh sống, học tập, cư trú, các nước có chung đường biên giới. Phối hợp các nước nhất là với Trung Quốc, Lào, Campuchia mở các đợt cao điểm; xác lập chuyên án chung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội...