Chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn

Với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường việc kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương đã có sự chuyển biến và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù bảo vệ môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm, cả nước có 372 khu công nghiệp (tăng 29 khu so với năm 2018), hơn 4,5 nghìn làng nghề; 846 đô thị ước tính hàng ngày phát sinh 7 triệu m3 nước sinh hoạt, hơn 35,5 nghìn tấn chất thải, hơn 120 nghìn cơ sở sản xuất, hơn 19 nghìn trang trại chăn nuôi, hơn 3,6 triệu ô tô, hàng chục triệu xe máy… tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò hạt nhân của người dân, doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường có những chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ, điển hình tại Đồng Nai tỷ lệ rác thải chôn lấp còn 43%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%.

Số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ có thể theo dõi trên các thiết bị di động.

Mặt khác trong 6 tháng đầu năm, các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển. Thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường đạt 15,46% nguồn thu nội địa; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15/5/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm; thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước 9.519 tỷ đồng... là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, tăng trưởng mới của đất nước có thể kể đến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động trong công tác dự báo thời tiết, thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành Khí tượng thủy văn đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử (thời gian xâm nhập mặn kéo dài gấp từ 2-2,5 lần, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với năm 2016) tuy nhiên mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-dong-kiem-soat-nguy-co-o-nhiem-moi-truong-cua-cac-nguon-thai-lon-110335.html