Chủ động kiểm tra, rà soát, tránh gián đoạn nguồn cung xăng dầu
Những ngày qua, thị trường xăng dầu khan hiếm cục bộ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong đó, chủ động kiểm tra, theo dõi hoạt động KDXD, tránh gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương về tình hình hoạt động KDXD, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có thương nhân sản xuất, nhập khẩu xăng dầu. Có 35 thương nhân cung ứng xăng dầu, trong đó, 3 thương nhân cung ứng đóng trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Công Thương cấp phép phân phối, 6 đại lý bán lẻ xăng dầu và 180 cửa hàng KDXD. Trong thời gian vừa qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, nguồn cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn do các thương nhân cung ứng xăng dầu không lấy được hàng. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng một số cửa hàng hết xăng dầu cục bộ trong thời gian ngắn. Đỉnh điểm trong ngày 10/11, có 3 cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh tạm ngưng bán hàng có lý do chính đáng, đã báo cáo ngành chức năng, gồm: cửa hàng xăng dầu Cù Giang tại xã Lạc Lương (Yên Thủy); cửa hàng xăng dầu Cao Dương, xã Cao Dương (Lương Sơn) và cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn, xã Trung Minh (TP Hòa Bình).
Ngoài các cây xăng dừng bán hàng đã báo cáo sở, ngành chức năng, ngay trong thời điểm "nóng" KDXD, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với nhiều huyện, thành phố. Qua kiểm tra, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hòa Bình, các huyện: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy đều ghi nhận tình trạng hết xăng cục bộ, chờ thương nhân phân phối cung cấp xăng dầu.
Việc khan hiếm và tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến SX-KD của các DN và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các DN kinh doanh vận tải, doanh nghiệp xây dựng. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, lái xe dịch vụ ở TP Hòa Bình cho biết: Tình trạng khống chế số lượng bán đã diễn ra nhiều ngày trước khi giá xăng dầu điều chỉnh kỳ thứ 2 (ngày 11/11) trong tháng. Chúng tôi lái xe dịch vụ phải di chuyển đường dài thường xuyên, liên tục. Vì vậy, để đủ bình xăng tôi phải đến 2, 3 cửa hàng. Kéo theo đó là việc đợi chờ khá lâu mới đến lượt đổ xăng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công việc.
Khó khăn hơn, xăng dầu liên tục tăng giá sau 4 lần điều chỉnh đã khiến nhiều DN kinh doanh vận tải lâm vào khó khăn. Cụ thể là loại hình kinh doanh xe bus tuyến nội tỉnh, số lượng khách giảm sút mạnh trong khi giá nguyên liệu tăng cao, nhưng không thể liên tục điều chỉnh giá khiến các nhà xe chỉ còn cách cắt giảm đầu xe.
Theo lãnh đạo Cục QLTT, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục QLTT tiếp tục kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân trong KDXD ở tất cả các loại hình. Tiến hành ký cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhâu đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT, Sở KH&CN, Công an tỉnh và một số ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi hoạt động cung ứng xăng dầu đối với các DN KDXD trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết, không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định hoặc không có lý do chính đáng. Tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân KDXD ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng theo nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Chỉ đạo các Đội QLTT kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động KDXD, đặc biệt là hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc LLVT (quốc phòng, công an), địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật. Nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng, không chấp hành đúng quy định của pháp luật.