Chủ động làm tròn trách nhiệm

Thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động của đại biểu HĐND và tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Nổi bật nhất của sự chuyển biến là trong việc chuẩn bị nội dung tiếp xúc cử tri; thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước các kỳ họp; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

Nhiều đại biểu đã thường xuyên bám sát cơ sở, liên hệ chặt chẽ với cử tri, tích cực nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu tài liệu trước và sau mỗi kỳ họp, góp phần đưa nghị quyết của HĐND vào cuộc sống. Nhiều tổ đại biểu HĐND hoạt động thường xuyên, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

Tuy vậy, kết quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp và tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của đại biểu, tổ đại biểu HĐND chậm được triển khai thực hiện, chưa xứng với vị thế và địa vị pháp lý. Một số tổ đại biểu suốt cả năm không báo cáo hoạt động, không tổ chức được cuộc giám sát nào; thường trực HĐND cùng cấp cũng không đôn đốc, phân công giám sát cho tổ đại biểu.

Đây là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, tìm ra nguyên nhân vì sao, ai phải chịu trách nhiệm; kịp thời rút ra bài học, kinh nghiệm, biện pháp khắc phục. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, điều tiên quyết là đại biểu HĐND trên mỗi cương vị phải chủ động, phát huy đầy đủ trách nhiệm, bổn phận của mình. Cử tri bầu ra người đại diện cho mình để thực thi quyền lực của nhân dân là hiện thân của chế độ dân chủ ở nước ta. Nếu đại biểu hoạt động hình thức, nói không đi đôi với làm thì các giá trị dân chủ cũng sẽ xa rời cuộc sống người dân.

Tổ Đại biểu HĐND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) - đơn vị xã Lộc Nga trong một lần giám sát tình hình sản xuất nông nghiệp

Tổ Đại biểu HĐND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) - đơn vị xã Lộc Nga trong một lần giám sát tình hình sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, nhiều đại biểu HĐND là đảng viên, được cấp ủy Đảng giới thiệu ứng cử làm đại biểu HĐND để thực hiện cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu những đại biểu nòng cốt này hoạt động kém hiệu quả thì không những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng mà còn làm tổn thương lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Vì vậy, cần thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm điểm định kỳ trách nhiệm của đại biểu; trước hết là những đại biểu đã được cấp ủy giới thiệu ứng cử, trúng cử, giữ các trọng trách trong cơ quan HĐND, UBND các cấp, trong các tổ đại biểu HĐND, coi đó là một trong các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên đối với hoạt động cơ quan dân cử địa phương.

Cùng đó, các tổ đại biểu HĐND cần nghiên cứu xây dựng quy chế, chế độ làm việc cho phù hợp với thực tiễn mỗi địa phương; quy định chế độ báo cáo, phản ảnh, sinh hoạt định kỳ của tổ đại biểu; căn cứ tình hình cụ thể để phân công đại biểu giám sát.

Cần quy định mỗi tổ phải có ít nhất 1 cuộc giám sát chuyên đề hằng năm; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu để mỗi kỳ họp có ít nhất 1 ý kiến chất vấn gửi đến thường trực HĐND về những vấn đề mà cử tri, nhân dân bức xúc; có ít nhất 1 ý kiến đối với các báo cáo của HĐND, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND trình ra kỳ họp... Cần coi đây là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, tổ đại biểu, của đảng viên và cấp ủy viên hoạt động trong bộ máy nhà nước ở địa phương.

Bài và ảnh: ThS Nguyễn Vân Hậu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-lam-tron-trach-nhiem-2022040318473489.htm