Chủ động, linh hoạt dạy học tích hợp

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có dạy học tích hợp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn địa phương chưa có giáo viên được đào tạo chuyên ngành về chương trình tích hợp.

Nhận diện khó khăn

1 cuốn sách, 2 môn học, các tiết Lịch sử, Địa lý của cô giáo Trần Thị Kim Liên, Trường Tiểu học và THCS Yên Sơn (huyện Bảo Yên) được sắp xếp xen kẽ, cùng với đó là những bài học tổng quan. Với học sinh chuyển từ tiểu học sang THCS, việc tiếp cận môn học tích hợp ban đầu có phần bỡ ngỡ. “Mới đầu, chúng em viết tất cả các môn vào 1 quyển vở, sau khi được cô giáo hướng dẫn, chúng em tách riêng từng môn cho dễ theo dõi” - em Lý Hồng Uyên, học sinh lớp 6A, Trường Tiểu học và THCS Yên Sơn cho biết.

Tiết học môn tích hợp Khoa học tự nhiên tại Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên.

Tiết học môn tích hợp Khoa học tự nhiên tại Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên.

Xác định những thay đổi của sách giáo khoa mới, cô giáo Liên phải chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy. Cô cho biết, việc dạy tích hợp khó nhất là khi kiểm tra, đánh giá. Ví dụ như học kỳ I, có 2 tiết Lịch sử mỗi tuần, Địa lý chỉ có 1 tiết, tôi và thầy giáo phụ trách Lịch sử phải bàn về cấu trúc đề thi, tỷ lệ điểm, rồi thời điểm kiểm tra, đánh giá “khớp” nhau. Chúng tôi còn phải thường xuyên trao đổi nội dung dạy học, nhất là trong phần mở đầu giới thiệu chung, nếu không, rất khó để các em lĩnh hội được kiến thức.

Thực trạng 2 - 3 giáo viên cùng dạy 1 quyển sách cũng diễn ra tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Tha (huyện Văn Bàn). Theo thầy Nguyễn Cao Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc dạy “một mạch” theo chủ đề của từng môn học có một số hạn chế. Ví dụ, học sinh học hết chủ đề liên quan đến môn Vật lý rồi mới tiếp tục học Hóa học, Sinh học, như vậy các em sẽ không được ôn luyện 3 phân môn này thường xuyên, liên tục, dễ xảy ra tình trạng quên kiến thức. Trong khi đó, bài kiểm tra cuối kỳ lại bao gồm kiến thức của cả 3 phân môn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng khó điều tiết thời khóa biểu, có thời điểm, số tiết/tuần của giáo viên tăng nhiều và có thời điểm lại rất ít so với định mức.

Một mình đảm nhiệm dạy môn Khoa học tự nhiên của khối lớp 6, cô giáo Phạm Thị Thu Hường, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Tha gặp không ít khó khăn. Cô Hường được đào tạo trình độ cao đẳng, chuyên ngành Hóa - Sinh, nhưng hiện tại phải dạy cả môn Vật lý. Cô Hường cho rằng, việc dạy tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học) rất khó vì đây đều là các môn học đặc thù, trong khi đó, thời gian tập huấn dạy tích hợp rất ngắn. Ví dụ, môn Sinh học có mảng kiến thức phải liên quan đến Hóa học mới giải thích được, buộc tôi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu để giới thiệu cho học trò.

Linh hoạt điều chỉnh

Nhiều giáo viên THCS được đào tạo đơn môn và tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường, địa phương vẫn phổ biến. Đây là những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai giảng dạy các môn học tích hợp. Cô giáo Đỗ Ngọc Kim Khuyên, Trường THCS số 1 Phố Ràng (huyện Bảo Yên cho biết): Dưới sự định hướng của Ban Giám hiệu, nhóm giáo viên Khoa học tự nhiên tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch giảng dạy, bổ sung kiến thức và kỹ năng truyền đạt cho nhau, khai thác triệt để các công cụ hỗ trợ như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn. Chúng tôi còn tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, học hỏi từ đồng nghiệp, tham khảo các tiết dạy trên truyền hình và một số website học tập, lắng nghe nhóm tác giả sách giáo khoa phân tích trên các diễn đàn, hội nghị… từ đó lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học phù hợp. Tôi cũng lên kế hoạch tham gia các khóa tập huấn nâng cao, chuyên sâu hơn để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở các khối lớp 7, 8, 9.

Các thầy cô giáo thường xuyên trao đổi thống nhất nội dung giảng dạy.

Các thầy cô giáo thường xuyên trao đổi thống nhất nội dung giảng dạy.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết: Trong điều kiện đội ngũ giáo viên hầu hết chỉ được đào tạo đơn môn nên việc triển khai dạy các môn tích hợp gây nhiều khó khăn cho chính giáo viên và các trường. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên và các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn. Nhiều giáo viên đã và đang làm quen với việc chủ động tìm ra sự thống nhất của các môn học, nghiên cứu cách kết nối các đơn vị kiến thức còn rời rạc thành hệ thống kiến thức có tính liên kết xây dựng thành chủ đề dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Khắc Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (thị xã Sa Pa) cho biết, thuận lợi của trường là những giáo viên giảng dạy Lịch sử và Địa lý trước đây đều được đào tạo cả 2 môn nên khi tiếp cận với môn học tích hợp không quá khó khăn, riêng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên thì vất vả hơn. Để có thể giảng dạy 3 môn, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải tự nghiên cứu, bồi dưỡng thêm về kỹ năng, kiến thức lẫn đầu tư soạn giảng. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức sinh hoạt 1 - 2 lần/tháng, có sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh về việc bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch giảng dạy và tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với các môn học tích hợp. Theo đó, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy các nội dung của chương trình hoặc chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Về lâu dài, tỉnh sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để dạy những môn tích hợp theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học trong những năm tiếp theo.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363134-chu-dong-linh-hoat-day-hoc-tich-hop