Chủ động, linh hoạt khi sang giai đoạn bình thường mới

Bước sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các quận, huyện của Hà Nội đang tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để thực hiện tốt mục tiêu kép: Vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Diễn tập triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Ảnh: NGỌC TÚ

Diễn tập triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Ảnh: NGỌC TÚ

Chủ động ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, quận Ba Đình là một trong những đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội nhanh chóng thiết lập mô hình Trạm y tế lưu động. Hiện toàn bộ 14 phường của quận đã có mô hình Trạm y tế lưu động gồm 84 người, với đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, y tá. Với năm nhiệm vụ chính gồm quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm Covid-19; tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19; truyền thông về Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác, các trạm y tế lưu động sẵn sàng tiếp nhận, xử lý các tình huống xảy ra.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, đến nay, quận Ba Đình đã tổ chức tiêm phủ mũi hai đạt hơn 50% cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Triển khai 12 đợt hỗ trợ cho lao động tự do, các trường hợp F0, F1 kết thúc điều trị, lao động và hộ kinh doanh tạm hoãn, ngừng việc với 138.360 trường hợp, tổng số tiền hỗ trợ là 50,275 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách quận đã chi trả hơn 33,9 tỷ đồng hỗ trợ cho 20.795 lao động. Quận cũng tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp điều hành, cân đối thu, chi ngân sách quận. Từ nay đến cuối năm 2021, quận Ba Đình sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đi đôi với phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố, triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ tạo việc làm, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng khó khăn dịch bệnh để vi phạm về trật tự đô thị và quản lý đất đai.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, huyện Đan Phượng đã chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, đánh giá, phân loại cấp độ dịch để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng, chuẩn bị năng lực ứng phó. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa - xã hội trên địa bàn phải bảo đảm phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Để không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, đi lại, sinh hoạt của nhân dân, huyện thực hiện các quy định cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể, nhưng không trái với quy định của Trung ương và thành phố. Là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô, thời gian tới bên cạnh công tác phòng, chống dịch, Đan Phượng sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã tập trung phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong quá trình xây dựng huyện thành quận. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí đô thị đã đạt được, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn thành lập quận, phường như tập trung công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị, xây dựng trường trung học phổ thông liên cấp...

Trở lại nhịp sống bình thường mới, các hàng quán, trung tâm thương mại, công viên, thể dục thể thao đã được mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn rất cao khi thành phố liên tục phát sinh các ổ dịch mới tại cộng đồng. Để bảo đảm an toàn cho Thủ đô, thành phố Hà Nội xác định phòng, chống dịch cao hơn một mức so với thực tế; 30 quận, huyện, thị xã cũng chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh. Tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị, tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho người về từ các địa phương khác, có yếu tố dịch tễ liên quan và từ các tỉnh có dịch trở về. Đồng thời, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh trên địa bàn. Thành phố và các quận, huyện, thị xã cũng tăng cường tuyên truyền nhằm thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, nhất là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới.

Với mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/chu-dong-linh-hoat-khi-sang-giai-doan-binh-thuong-moi-673577/