Chủ động, linh hoạt lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Tỉnh Điện Biên hiện đang khẩn trương triển khai việc lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ngoài việc tổ chức các hội nghị trực tiếp, việc lấy ý kiến còn được thực hiện gián tiếp thông qua ứng dụng VNeID, mục tiêu hoàn thành trước ngày 25/5.
Tại xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), lực lượng công an xã đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương đến từng bản, từng nhà hướng dẫn người dân tham gia đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID. Nội dung tập trung vào 8 điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013.

Công an tỉnh Điện Biên xuống cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các thao tác góp ý vào Hiến pháp trên ứng dụng VNeID
Thượng úy Tòng Văn Khiêm, Phó Trưởng Công an xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo cho biết, việc tiếp cận công nghệ đối với nhiều người dân vùng cao khá khó khăn, nên lực lượng công an đã tổ chức các tổ công tác xuống tận cơ sở, hỗ trợ người dân thao tác trên ứng dụng một cách nhanh gọn, hiệu quả.
"Hiện tại Công an xã Chiềng Sinh đã tổ chức triển khai được 3/7 bản trên địa bàn xã, từ đó sẽ cố gắng phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu mà cấp trên đề ra", theo Thượng úy Tòng Văn Khiêm.
Hiện các các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng đang tích cực vào cuộc tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, Đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt đã được phổ biến nội dung sâu, tập huấn kỹ lưỡng để hiểu và tham gia đóng góp ý kiến một cách chủ động, trách nhiệm.
Anh Giàng A Vĩnh, đoàn viên xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo chia sẻ: "Sau khi được Huyện đoàn Tuần Giáo triển khai và tập huấn về sửa đổi Hiến pháp, bản thân tôi thấy đây là nội dung rất quan trọng và phù hợp với thực tế hiện nay. Lực lượng đoàn viên thanh niên trong huyện cũng đang tích cực nghiên cứu để đóng góp với nội dung sửa đổi Hiến pháp".
Để việc tham gia ý kiến của người dân được thuận lợi, ngoài ứng dụng VNeID, người dân còn có thể góp ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ hoặc gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền. Mọi ý kiến đóng góp đều được tổng hợp và báo cáo đầy đủ, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch.
Trung tá Hồ Sỹ Dũng, Phó trưởng Công an xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết, để làm được điều này, công an xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác xuống từng tổ dân phố để hướng dẫn người dân thao tác, tham gia ý kiến trên các ứng dụng số, nền tảng số.
"Công an xã đã tham mưu cho UBND xã, nhất là tổ Đề án 06 ban hành văn bản, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các tổ tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn cho người dân tham gia góp ý và sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID, phấn đấu xong trước ngày 25/5" - Trung tá Hồ Sỹ Dũng nói.

Toàn tỉnh Điện Biên phấn đấu hoàn thành việc lấy ý kiến trước ngày 25/5/2025.
Cùng với việc tăng cường cán bộ cơ sở phối hợp với lực lượng công an xã, phường đến từng nhà, từng bản, từng khu dân cư, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, chính quyền các địa phương tại tỉnh Điện Biên hiện cũng đẩy mạnh việc tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân thông qua các nhóm Zalo của từng tổ dân phố.
Ông Phạm Văn Cải, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền qua Zalo và tuyên truyền trực tiếp, nên tỷ lệ người dân trong phố tham gia đóng góp ý kiến rất cao. Đến bây giờ qua ghi nhận tại phố đã có hơn 90% số hộ tham gia cho ý kiến và trong số đó l00% đều tán thành".
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết, đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn dân, thể hiện tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ, trách nhiệm và sự đồng thuận của xã hội. Việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai rộng khắp, linh hoạt bằng nhiều hình thức, góp phần để bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này thực sự là ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
"Đến thời điểm hiện tại thì Mặt trận các cấp cũng đã triển khai đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và qua ghi nhận thì đa số nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều đồng thuận cao. Lần lấy ý kiến rất rộng rãi và tạo được sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bằng rất nhiều hình thức lấy ý kiến, ví dụ như tổ chức các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp tại khu dân cư, bằng các kênh như VNeID đều cho thấy rất phù hợp để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân", theo ông Nguyễn Tiến Dũng.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực để mọi ý kiến của người dân – dù ở cương vị nào đều được ghi nhận, đóng góp thiết thực cho bản Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Toàn tỉnh Điện Biên phấn đấu hoàn thành việc lấy ý kiến trước ngày 25/5 tới đây.