Chủ động, linh hoạt ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất năm 2024
Mặc dù thời tiết sau mưa ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều bất lợi nhưng các địa phương, đơn vị quản lý vẫn bám công trình, ra quân làm thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu cho 59.120 ha lúa vụ xuân 2024.
Từ tháng 10 lại nay, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, 100% nhân lực của Cụm kênh chính Kẻ Gỗ (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng trên tuyến kênh chính và kênh N3 (huyện Cẩm Xuyên).
Nhiều phần việc được triển khai như: xủi cỏ bờ kênh, vớt rác thải, xác động vật, đất đá tồn đọng trong lòng kênh để tránh gây ùn tắc dòng chảy; nạo vét lòng kênh và gia cố, bảo dưỡng các khu vực bị xuống cấp...
Ông Trần Anh Tuấn - Cụm trưởng Cụm kênh chính Kẻ Gỗ cho biết: "Chúng tôi quản lý và làm thủy lợi nội đồng đối với 12km kênh chính và 5km kênh N3 cùng 28 cống tưới tiêu lớn, nhỏ. Đây là tuyến kênh sâu, rộng và có độ dốc lớn nhất tại Hà Tĩnh nên việc làm thủy lợi nội đồng khá vất vả và cần nhiều thời gian hơn so với các khu vực khác. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc trước ngày 20/12/2023 để tạo điều kiện cho bà con bắt tay sản xuất mùa vụ mới".
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện quản lý, vận hành 33 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt, 438 km kênh mương nội đồng và hơn 1.000 cống tưới tiêu trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Hiện nay, 16 cụm, trạm thuộc công ty đều bố trí tối đa nhân lực để tổ chức làm thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cấp nước tưới cho 22.000 ha lúa vụ xuân 2024.
Ông Đặng Hòa Bình – Trưởng phòng Quản lý và khai thác (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) thông tin: “Thời gian qua, do ảnh huởng của mưa lũ đã làm cho nhiều hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt hệ thống kênh tưới tiêu bị sạt lở, bồi lấp làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất. Sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, công ty tiếp tục chỉ đạo các cụm, trạm kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình hồ đập, kênh và công trình ngăn mặn giữ ngọt; xác định hiện trạng công trình và thống nhất biện pháp sửa chữa (nếu có) để đảm bảo an toàn cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2024”.
Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cũng đang dồn sức cho công tác làm thủy lợi và duy tu, bảo dưỡng sửa chữa công trình phục vụ sản xuất. Ông Hồ Thanh Hải – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay: “Đơn vị quản lý, vận hành 26 hồ chứa, 2 đập dâng, 10 cống ngăn mặn giữ ngọt, 38 trạm bơm và trên 500 km kênh mương thuộc 7 huyện, thị phía Bắc Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, vụ xuân 2024, công ty phục vụ tưới cho hơn 21.000 ha lúa vụ xuân. Bên cạnh lên kế hoạch sửa chữa, nạo vét các công trình, công ty phát động toàn bộ nhân lực của công ty phối hợp với các địa phương hưởng lợi tập trung tu bổ, sửa chữa, nạo vét kịp thời hệ thống kênh, mương chủ động kế hoạch sản xuất vụ xuân 2024”.
Vụ xuân 2024, huyện Cẩm Xuyên dự kiến sản xuất 9.560 ha lúa (diện tích lớn nhất tỉnh). Theo ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện, UBND huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý huy động toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn các trạm bơm; củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng cho việc làm đất vụ xuân. Ngoài ra, huy động mọi nguồn lực tổ chức duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo an toàn cấp nước cho sản xuất năm 2024; tập trung đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng năm 2023, hoàn thành theo kế hoạch được giao.
Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu xuống giống 59.120 ha lúa. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2024, đồng thời tích trữ nước chống hạn cho vụ hè thu năm 2024, từ 15/11/2023 đến 31/1/2024, Hà Tĩnh phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, kịp thời phục vụ sản xuất, dân sinh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Việt Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh có 348 hồ chứa, 86 đập dâng, 494 trạm bơm, 12 cống lớn làm nhiệm vụ tiêu thoát lũ, 6.333 km kênh mương các loại và hàng ngàn công trình trên kênh. Hiện nay, các địa phương, đơn vị liên quan đang tổ chức kiểm kê, cân đối nguồn nước tại các công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể của từng công trình, cho từng vùng để thực hiện. Cùng đó, huy động lực lượng, phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, tăng hiệu quả tưới cho các vùng trong mùa sản xuất tới. Đối với các công trình đang thi công sửa chữa, chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân.
Sau các trận mưa lớn vừa qua, hệ thống hồ chứa tại Hà Tĩnh đã được bổ sung lượng nước, đảm bảo phục vụ tưới tiêu trong vụ xuân 2024. Đến nay, 39 hồ chứa lớn do các doanh nghiệp thủy lợi tỉnh và BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT) quản lý, mực nước đã đạt trên 70% dung tích thiết kế.
Trong đó, mực nước một số hồ lớn như: hồ Ngàn Trươi đạt trên 68% dung tích thiết kế; hồ Kẻ Gỗ đạt trên 85% dung tích thiết kế; hồ Sông Rác đạt trên 97% dung tích thiết kế; hồ Thượng Tuy đạt trên 82% dung tích thiết kế; hồ Sông Trí đạt trên 68% dung tích thiết kế; hồ Kim Sơn đạt 99% dung tích thiết kế...
Các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, mực nước cơ bản đạt dung tích thiết kế.