Chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cùng với cả nước, sau hai năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, ứng dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong công tác dạy và học, góp phần đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Đây chính là tiền đề vững chắc để Phú Thọ tiếp tục chủ động, sẵn sàng cho năm học mới 2022- 2023, năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Còn thiếu về vật chất, nhân lực

Trong những năm qua, mặc dù đã được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trường cơ bản đã và đang được kiên cố hóa phòng học, đủ điều kiện tổ chức dạy - học. Tuy nhiên, đa số các trường phổ thông, nhất là cấp Tiểu học và Trung học cơ sở chưa có đủ phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số trường chưa có phòng học môn Tin học, diện tích sân chơi, bãi tập nhỏ hẹp. Các trường được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia ở giai đoạn trước, đến nay cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình dạy học mới…

Trường Trung học cơ sở Tân Phú, huyện Tân Sơn đầu tư, trang bị các thiết bị dạy học cho các em học sinh

Là ngôi trường trung tâm của huyện Tân Sơn, Trường Trung học cơ sở Tân Phú nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực nên cơ sở vật chất của nhà trường thuộc tốp đầu của huyện. Tuy nhiên đến nay, trang thiết bị dạy học mới đáp ứng ở mức tối thiểu. Thầy Trần Mạnh Dũng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để phục vụ cho năm học mới gặp nhiều khó khăn, nên để nâng cao tiêu chí trường chuẩn Quốc gia cũng sẽ là bài toán khó đối với nhiều trường học trên địa bàn huyện miền núi Tân Sơn chứ không riêng gì THCS Tân Phú.

Theo thống kê toàn tỉnh, hiện huyện Hạ Hòa còn 10/28 trường Tiểu học không có phòng Tin học, một trường chưa có máy tính. Huyện Đoan Hùng có 26 trường Tiểu học với 32 điểm trường nhưng mới có 10 điểm trường có phòng máy tính đang dạy cho học sinh các lớp 3, 4, 5 làm quen với máy tính, còn 22 điểm trường của 19 trường chưa có Phòng Tin học và máy tính để tổ chức dạy học môn Tin học theo quy định. Huyện Tân Sơn có 9/19 trường Tiểu học chưa có Phòng Tin học, trong đó có trường có phòng Tin học nhưng chỉ có 1-2 máy tính, riêng tại 30 điểm trường lẻ không có phòng máy tính…

Thêm vào đó, việc thực hiện Chương trình GDPT mới đối với các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sắp tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy một số bộ môn mới như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật… Lý do là giáo viên thuộc biên chế những môn học trên tại các trường hầu như không có hoặc có rất ít, trong khi nguồn tuyển bổ sung gặp khó khăn.

Tại huyện Tân Sơn có 9 giáo viên Tin học biên chế ở cấp Tiểu học, trong khi toàn huyện có 19 trường có cấp Tiểu học (17 trường Tiểu học và 2 trường liên cấp). Như vậy, theo chỉ tiêu biên chế được giao (căn cứ vào số lượng học sinh) toàn huyện còn thiếu 14 giáo viên Tin học. Mặc dù tổng số biên chế các môn theo chỉ tiêu tỉnh giao còn thiếu 51 biên chế nhưng hiện nay cũng không có nguồn giáo viên chuyên về Tin học để tuyển dụng.

Tương tự, huyện Hạ Hòa có 28 trường Tiểu học nhưng chỉ có 13 giáo viên Tin học ở cấp này. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo Hạ Hòa, dù có sự chủ động về nguồn giáo viên từ 2 - 3 năm trước nhưng đến nay mới cơ bản tuyển đủ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, còn giáo viên môn Tin học rất khó tuyển do không có nguồn giáo viên để tuyển.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp Trung học Phổ thông, với lớp 10. Ngoài 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh còn phải chọn 4 trong 9 môn lựa chọn, trong đó có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc và Mỹ thuật. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đa số các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ không tổ chức dạy 3 môn học này với lý do... không có giáo viên.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường chưa có phòng Tin học và thiếu máy tính để tổ chức dạy học môn Tin học theo quy định

Nỗ lực vượt khó

Để thực hiện công tác dạy học theo chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động khắc phục khó khăn trước mắt bằng nhiều cách làm linh hoạt, nhằm đảm bảo tối thiểu yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên để dạy và học.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn, nhằm đảm bảo về cơ sở vật chất, các nhà trường đã chủ động vận động nguồn lực mua sắm mới, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, đặc biệt là máy tính phục vụ dạy môn Tin học cho học sinh lớp 3. Trước thềm năm học mới 2022-2023, từ nguồn lực vận động tài trợ, sẽ có thêm ít nhất hai trường Tiểu học của huyện Tân Sơn được trang bị Phòng Tin học đạt chuẩn. Đối với các cơ sở giáo dục hiện còn thiếu máy tính, huyện đã thành lập đoàn công tác đi khảo sát để đánh giá, cân đối ngân sách nhằm mua sắm trang bị, đồ dùng học tập phục vụ công tác dạy và học. Đối với các điểm trường lẻ, khi có tiết môn Tin học, nhà trường sẽ mượn máy tính xách tay của thầy cô giáo trong trường, của phụ huynh học sinh hoặc người dân quanh điểm trường để dạy cho học sinh, cố gắng đảm bảo yêu cầu 5 học sinh/máy… Qua rà soát, toàn huyện Tân Sơn có 23 giáo viên Tiểu học dạy bộ môn khác nhưng có bằng Tin học. Số giáo viên này sẽ được bồi dưỡng để làm nguồn giáo viên Tin học cho năm học mới và những năm tiếp theo.

Thầy và cô Trường THCS Đại Phạm, huyện Hạ Hòa chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

Đồng chí Lê Văn Phượng - Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng khẳng định, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường trên địa bàn, huyện đã rà soát, tính toán tiết kiệm nguồn chi, cân đối nguồn kinh phí gắn với chương trình mục tiêu, huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục, đề nghị hỗ trợ để đảm bảo mỗi trường và điểm trường có một phòng máy, qua đó tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là phụ huynh học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn học mới của các cấp học. Sở phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các trường; tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới.

Ngoài ra, Sở tăng cường đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tích cực phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên...

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/chu-dong-linh-hoat-trong-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi/186427.htm