Chủ động nâng cấp hạ tầng truyền tải để giải tỏa hết công suất điện từ các dự án năng lượng

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió tại Việt Nam đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ về giá. Vì vậy, chủ đầu tư và các đơn vị thi công dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực thi công để hoàn thành kịp tiến độ.

 Nâng cấp hạ tầng lưới điện để giải tỏa hết công suất các dự án điện gió - Ảnh: T.N

Nâng cấp hạ tầng lưới điện để giải tỏa hết công suất các dự án điện gió - Ảnh: T.N

Quảng Trị là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Từ tiềm năng thế mạnh đó, những năm qua tỉnh đã tập trung quy hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, xem đây là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 53 dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt với tổng công suất 4.746MW. Ngoài ra, có trên 70 dự án tổng công suất khoảng 10.700MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị trình Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới, có 8 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620MW. Hiện nay, trong 27 dự án điện gió được phê duyệt tập trung trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có 2 dự án công suất 60MW đi vào hoạt động; 25 dự án với công suất 987,2MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Theo báo cáo của các nhà đầu tư thì tất cả 25 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2021. Với các dự án đã được quy hoạch và đã đề xuất bổ sung quy hoạch, tỉnh Quảng Trị đạt công suất khoảng từ 13.000- 15.000MW. Vì vậy, dự kiến đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị sẽ đạt công suất phát điện khoảng 4.000 MW, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000MW.

Để đảm bảo việc truyền tải điện lên lưới quốc gia từ các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Quảng Trị, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đầu tư các công trình lưới điện phục vụ truyền tải các nguồn điện khu vực phía Tây Quảng Trị như các dự án: Nâng cấp Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo; Cải tạo nâng khả năng tải đường dây 110kV mạch kép Đông Hà-Lao Bảo. Vậy nhưng, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được bổ sung tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị hiện nay là khoảng 1.300MW vượt quá khả năng truyền tải các công trình hiện tại, do đó EVN đã nghiên cứu và kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối, giải tỏa hết công suất cho các nguồn điện mới được bổ sung quy hoạch. Nhờ vậy, tháng 8/2020, dự án “Mạch 2 đường dây 220kV Đông Hà - Đồng Hới, Đông Hà - Huế” đã được triển khai với tổng chiều dài toàn tuyến là 186,224 km đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Quảng Trị có chiều dài 81,736 km qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và việc đóng điện vận hành công trình mạch 2 đường dây 220kV Đông Hà-Đồng Hới, Đông Hà-Huế đã tăng cường khả năng truyền tải lưới điện 220kV liên kết Bắc-Nam, nâng cao khả năng huy động công suất cho miền Nam, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tránh quá tải lưới điện truyền tải khu vực, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Để các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại đúng thời gian cam kết thì việc hoàn thiện hạ tầng đấu nối là phần việc hết sức quan trọng đối với ngành điện. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã tích cực triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng đấu nối. Đối với dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo đây là dự án rất cần thiết nhằm giải tỏa công suất điện của các nhà máy điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia, đồng thời là dự án cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cho dù trong quá trình thi công đã gặp không ít khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng nhưng đến nay đã được tháo gỡ.

Ngoài xây dựng mới một số trạm biến áp, dự án sẽ xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà-Lao Bảo với tổng chiều dài khoảng 46,4 km, gồm 120 vị trí cột, đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa nên đã kịp thời hoàn thiện hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất nguồn điện. Từ đó, PC Quảng Trị đã chủ động phối hợp lập kế hoạch cắt điện phục vụ thi công đường dây 110kV, 220kV của các chủ đầu tư điện gió để đưa công suất truyền tải về Trạm biến áp 220kV Lao Bảo. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các công trình điện miền Trung cùng nhà thầu thi công lập kế hoạch và thực hiện cắt điện thi công đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo kịp tiến độ. Mặt khác, PC Quảng Trị đã nâng cao dây dẫn tại hơn 40 vị trí vượt đường, đảm bảo cao độ đường dây hạ thế 0,4kV băng đường tối thiểu đạt 6,8m, cao độ đường dây trung thế 22kV băng đường tối thiểu đạt 8,3m, cao độ đường dây trung thế 35kV băng đường tối thiểu đạt 9,3m và cao độ đường dây cao thế 110kV băng đường tối thiểu đạt 10,3m nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến xe vận chuyển thiết bị phục vụ các dự án điện gió, hỗ trợ tích cực trong quá trình thi công công trình.

Ngoài ra, PC Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành lưới điện trực thuộc phối hợp khảo sát, thỏa thuận đấu nối và nghiệm thu các công trình cấp điện thi công các dự án điện gió Phong Huy, Phong Liệu, Liên Lập, Hướng Phùng 2,3. Chủ động phối hợp, hỗ trợ các điều kiện tốt nhất để các dự án điện gió thi công và đưa vào vận hành đúng tiến độ bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng lưới điện để giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159419&title=chu-dong-nang-cap-ha-tang-truyen-tai-de-giai-toa-het-cong-suat-dien-tu-cac-du-an-nang-luong