Chủ động ngăn chặn buôn lậu lâm sản, góp phần bảo vệ 'lá phổi xanh' nơi miền Tây xứ Thanh
Xác định công tác tuần tra, kiểm tra tình hình an ninh rừng và chống buôn lậu lâm sản trên địa bàn 11 huyện miền núi là nhiệm vụ trọng tâm, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (KLCĐ&PCCCR) số 2 (tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng; đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và động vật hoang dã (ĐVHD) ở khu vực miền núi, đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các hạt kiểm lâm khu vực miền núi, các đơn vị thuộc Công an tỉnh trong bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu lâm sản; giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp; quản lý lâm sản, bảo vệ tang vật sau khi xử lý, chế độ xuất, nhập đúng quy chế.
Cán bộ, kiểm lâm viên Đội KLCĐ&PCCCR số 2 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra rừng tại huyện Lang Chánh.
Trong quá trình hoạt động, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 đã phân công nhiệm vụ cụ thể từ đội trưởng, các phó đội trưởng đến kiểm lâm viên giám sát hoạt động tại các địa bàn trọng điểm, chủ động phối hợp với các hạt kiểm lâm huyện và các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, quản lý thị trường... Chỉ đạo kiểm lâm viên tích cực đi cơ sở, tổ chức cài cắm thông tin, nắm bắt các khu vực còn giàu tài nguyên rừng; theo dõi chặt chẽ các đối tượng, phương tiện có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép, đề xuất kịp thời với lãnh đạo đội và các hạt kiểm lâm khu vực miền núi tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Việc kiểm tra lâm sản bảo đảm nhanh chóng, khách quan, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản có nguồn gốc hợp pháp.
Đội KLCĐ&PCCCR số 2 đã cài cắm, nắm bắt được hàng trăm thông tin về tình hình an ninh rừng, trong đó có nhiều thông tin chính xác; làm căn cứ tổ chức tuần tra an ninh rừng tại nhiều khu vực. 8 tháng năm 2023, đội đã nắm bắt thông tin trong quần chúng Nhân dân, tổ chức kiểm tra, bắt giữ, bàn giao và xử lý tổng số 14 vụ vi phạm. Tịch thu 1,815m3 gỗ; 595kg gốc rễ, thu giữ 1 cưa xăng. Phát hiện 11 vụ vi phạm tại gốc, gồm: 1.620m2 rừng bị phá, 5.815m2 bị san ủi mở đường, thiệt hại lâm sản (gỗ) ước tính khoảng 25,814m3. Thu nộp ngân sách Nhà nước gần 93 triệu đồng.
Đội KLCĐ&PCCCR số 2 phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát lâm sản lưu thông trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Huy, Đội trưởng Đội KLCĐ&PCCCR số 2 cho biết: Các năm vừa qua, tại một số huyện như: Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, rừng còn giàu tài nguyên. Địa hình đồi núi cao phức tạp, mạng lưới giao thông có nhiều đường ngang, ngõ tắt, một số đối tượng thường là những “con nghiện” dùng xe khách vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, truy bắt, “lâm tặc” đã không trừ một thủ đoạn nào, chống đối quyết liệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các đồng chí kiểm lâm viên... Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và ĐVHD, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 đã chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các hạt kiểm lâm khu vực miền núi đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; triển khai các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, không để xảy ra điểm nóng hay tụ điểm về khai thác, phá rừng, tàng trữ, kinh doanh, mua bán, vận chuyển lâm sản, ĐVHD trái phép. Tăng cường kiểm lâm viên về địa bàn đã giao phụ trách để nắm bắt thông tin; đổi mới phương thức trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan trong bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu lâm sản phức tạp. Chủ động xây dựng mạng lưới thông tin trong Nhân dân, đổi mới công tác trinh sát, thu thập thông tin, phương thức hoạt động tuần tra và biết dựa vào chính quyền, tai mắt của Nhân dân để phát hiện chính xác các thủ đoạn mới và triệt phá các ổ nhóm, các đường dây buôn bán lâm sản nguy hiểm của “lâm tặc”, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm nội tỉnh, các tuyến thẩm lậu lâm sản qua biên giới từ Lào về Việt Nam và tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh. Lực lượng kiểm lâm và công an đã phối hợp giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp, bắt giữ và xử lý hàng chục vụ vi phạm buôn bán, vận chuyển lâm sản và ĐVHD.
Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn; công tác phối hợp trao đổi thông tin có thời điểm chưa thường xuyên và liên tục; việc nắm bắt tình hình an ninh rừng có địa bàn chưa kịp thời, nên thời gian vừa qua vẫn xảy ra một số vụ khai thác rừng nhỏ lẻ trái phép. Do lực lượng, phương tiện và kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tuần tra rừng, trao đổi thông tin và cài cắm, “nuôi” nguồn tin trong quần chúng Nhân dân. Công tác kiểm soát an ninh rừng của một số hạt kiểm lâm khu vực miền núi chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên tuần tra rừng; chưa làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm...
Ngoài nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác lâm sản trái phép, buôn lậu lâm sản và ĐVHD, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 đã chủ động triển khai thực hiện phương án PCCCR cụ thể tại khu vực miền núi. Phối hợp với các hạt kiểm lâm xác định rõ khu vực trọng điểm cháy rừng và xây dựng bản đồ vùng trọng điểm cháy rừng. Riêng 8 tháng năm 2023, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 đã tổ chức 15 lần kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, phương tiện PCCCR gắn với tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị chữa cháy rừng cho toàn bộ công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Những ngày nắng nóng, có nguy cơ cháy rừng cao từ cấp III trở lên, đơn vị luôn duy trì đảm bảo 100% quân số thường trực 24/24h trong ngày; đảm bảo luôn sẵn sàng, chủ động tham gia chữa cháy rừng hiệu quả khi được điều động.
Các tháng cuối năm 2023, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 nhận định đây là thời điểm tình hình an ninh rừng và hoạt động buôn lậu lâm sản và ĐVHD sẽ có diễn biến phức tạp. Do vậy đơn vị tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu lâm sản; phối hợp với các hạt kiểm lâm, chủ rừng tập trung kiểm tra, kiểm soát các khu vực rừng còn giàu tài nguyên, các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; thường xuyên tuần tra, kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ, đường tỉnh để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Chủ động cài cắm, nắm bắt thông tin ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh để có phương án ngăn chặn, kiểm tra, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các thủ đoạn, phương thức hoạt động của đối tượng tại các vùng khai thác, bãi tập kết trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ với các hạt kiểm lâm trên tuyến và các đơn vị thuộc Công an tỉnh cùng một số cơ quan chức năng trong quản lý lâm sản, bảo vệ tang vật sau khi xử lý, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế, không để xảy ra thất thoát...
Kết quả nổi bật là an ninh rừng trên địa bàn các huyện miền núi đã được giữ vững và tương đối ổn định, các tuyến tỉnh lộ được kiểm soát chặt chẽ, các điểm nóng về khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn không xảy ra, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp sớm được phát hiện, xử lý đúng quy định, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ “lá phổi xanh” nơi miền Tây xứ Thanh.