Chủ động ngăn xu hướng gia tăng tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài

Theo Cục Đăng kiểm VN, tàu biển chạy tuyến quốc tế trong nhóm có tổng dung tích từ trên 1.600 GT đến 3.000 GT và trên 5.000 đến 10.000 GT bị lưu giữ ở nước ngoài có xu hướng tăng cao.

Cục Đăng kiểm VN khuyến nghị các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển chạy tuyến quốc tế chú trọng công tác quản lý, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu biển để tránh bị lưu giữ tại nước ngoài - Ảnh minh họa

Cục Đăng kiểm VN khuyến nghị các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển chạy tuyến quốc tế chú trọng công tác quản lý, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu biển để tránh bị lưu giữ tại nước ngoài - Ảnh minh họa

Cục Đăng kiểm VN vừa có văn bản thông báo đến các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển trong nước về việc Chính quyền hàng hải Trung Quốc (MSA China) vừa triển khai chiến dịch tập trung kiểm tra mức độ an toàn của không gian kín và vận hành tại không gian kín trên tàu biển. Theo đó, chiến dịch này kéo dài đến 14/10/2025, các tàu biển có hành trình đến cảng biển Trung Quốc cần chủ động kiểm tra, phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết liên quan để giảm thiểu nguy cơ bị lưu giữ tàu.

Cục Đăng kiểm VN cũng đưa ra các danh mục kỹ thuật và khuyến nghị các chủ tàu tự kiểm tra, có biện pháp phòng ngừa các khiếm khuyết kỹ thuật liên quan đến không gian kín của tàu biển: Khoang hàng, đáy đôi, két nhiên liệu, két dằn, buồng bơm hàng, buồng máy nén, cofferdam, khoang xích, không gian trống, khoang hộp, khoảng cách giữa các lớp bảo vệ, nồi hơi, các-te động cơ, hộp quét khí thải động cơ, két nước thải và các không gian liền kề không thông gió không được sử dụng để đặt hàng hóa… Cùng đó, đảm bảo việc thuyền viên thành thạo kiểm tra, sử dụng và bảo dưỡng đúng cách các thiết bị bảo hộ, thiết bị cứu hộ trên tàu.

Trước đó, Cục Đăng kiểm VN có văn bản gửi các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển cho biết, năm 2024, có 37 lượt tàu mang quốc tịch Việt Nam bị lưu giữ PSC (công tác kiểm tra nhà nước tại cảng biển) ở nước ngoài (khu vực Tokyo Mou 30 lượt, Paris Mou 3 lượt, Black Sea Mou 2 lượt, Indian Mou 2 lượt). Trong đó, đáng chú ý là xu hướng gia tăng lưu giữ đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích từ trên 1.600 GT đến 3.000 GT và trên 5.000 đến 10.000 GT.

Nguyên nhân bị lưu giữ chủ yếu do các khiếm khuyết của tàu: An toàn chống cháy, an toàn hành hải, hệ thống quản lý an toàn, tình trạng kín nước/thời tiết, trang thiết bị cứu sinh, hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, tình trạng kết cấu, ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu, máy chính và máy phụ, liên lạc vô tuyến điện, hàng nguy hiểm, giấy nhận của tàu, thuyền viên.

Trước thực tế trên, để giảm thiểu tỷ lệ lưu giữ PSC đối với tàu biển chạy tuyến quốc tế, cũng như tiếp tục thực hiện đề án năm 2016 của Bộ GTVT về "Duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng – xám của Tokyo – Mou", Cục Đăng kiểm VN yêu cầu các đơn vị đăng kiểm tàu biển, chủ tàu, công ty quản lý tàu biển nâng cao công tác giám sát và quản lý an toàn kỹ thuật tàu biển hoạt động tuyến quốc tế năm 2025.

Cụ thể, đối với các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển, Cục Đăng kiểm VN yêu cầu thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của điều ước quốc tế về hàng hải, chú trọng điều ước quốc tế về thuyền viên, điều kiện làm việc, quyền lợi và an toàn cho thuyền viên. Tập trung nguồn lực, xây dựng chính sách chất lượng phù hợp để bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải để giảm thiểu nguy cơ bị lưu giữ PSC. Thường xuyên giữ liên hệ với Cục Hàng hải VN và Cục Đăng kiểm VN để nắm bắt kịp thời các thông tin về kiểm tra PSC để có biện pháp chủ động thích ứng. Trường hợp tàu bị lưu giữ nước ngoài phải tổ chức rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm cá nhân đối với các khiếm khuyết kỹ thuật dẫn đến việc bị giữ tàu.

Cục Đăng kiểm VN cũng lưu ý các chủ tàu duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và đánh giá nội bộ 9 nội dung kỹ thuật cụ thể (chống cháy, an toàn hành hải, kín nước/thời tiết, trang thiết bị cứu sinh…) đối với tàu biển có tổng dung tích từ trên 1.600 GT đến 3.000 GT và trên 5.000 đến 10.000 GT hoạt động tuyến quốc tế, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc loại tàu này bị lưu giữ năm 2024.

"Ngoài ra, cần rà soát hợp đồng thuyền viên, kiểm tra trình độ tiếng Anh của thuyền viên, lập kế hoạch hành trình và chuyến đi, thực tập cứu hỏa, thực tập cứu hộ và thực tập khi đi vào không gian kín", Cục Đăng kiểm VN yêu cầu.

Đối với các đơn vị đăng kiểm tàu biển, Cục Đăng kiểm VN yêu cầu nâng chất lượng công tác kiểm tra tàu đóng mới, tàu đang khai thác; kiểm tra, đánh giá kỹ các nội dung kỹ thuật của tàu biển là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tàu biển bị lưu giữ PSC.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chu-dong-ngan-xu-huong-gia-tang-tau-bien-bi-luu-giu-o-nuoc-ngoai-183250218155238904.htm