Chủ động nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao
Để chuẩn bị chu đáo nhất cho mùa mua sắm dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới, Bình Dương đã có giải pháp, chủ động lên phương án đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hợp sức bình ổn
Ngay từ tháng 9, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị nguồn vốn, xây dựng kế hoạch, sớm ký các hợp đồng cung ứng hàng với nhà sản xuất. Theo ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Siêu thị Aeon Mall Bình Dương, năm nay đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tết với tổng giá trị gần 479 tỷ đồng. Trong đó, có khối lượng hàng hóa tham gia bình ổn trên 158 tỷ đồng. “Chúng tôi bảo đảm cung ứng đủ và bình ổn giá cả các mặt hàng trong thời gian từ nay đến tết, tăng cường thêm các mặt hàng tiêu thụ mạnh như lương thực, thực phẩm tươi sống, nước giải khát, bánh kẹo…”, ông Võ Văn Lớt cho biết.
Công ty Ba Huân đang tập trung thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường (BOTT), bảo đảm dự trữ nguồn cung gia cầm, trứng gà, vịt với tổng giá trị 13,2 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết hiện công ty sẵn sàng mang hàng BOTT đến các khu, cụm công nghiệp, khu vực đông dân cư, các xã vùng sâu, vùng xa với giá rẻ hơn bình thường để mọi người đều có một cái tết ấm no, tiết kiệm.
Đại diện Siêu thị Lotte Mart Bình Dương cũng cho biết ngoài việc thực hiện chương trình bình ổn giá với tổng dự trữ trên 118 tỷ đồng, ngoài phục vụ tại siêu thị, cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Lotte Mart sắp xếp thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh để người tiêu dùng có điều kiện mua hàng hóa tết chất lượng, đúng giá.
Không chỉ có 3 đơn vị nêu trên, các siêu thị như Co.opmart, WinMart, hệ thống Bách Hóa Xanh, Công ty CP… và 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng khẳng định, tất cả đang đồng tâm, hợp lực để công tác phát triển nguồn cung cũng như tiến độ chuẩn bị, dự trữ nguồn hàng tết diễn ra đúng kế hoạch dự kiến.
Không lo thiếu hàng
Theo số liệu của Sở Công thương, trong dịp tết lượng lương thực cần khoảng 819 tấn, lương thực khác (mì, bún, phở...) 546 tấn, thực phẩm tươi sống gần 470 tấn, thực phẩm chế biến 82 tấn, thực phẩm công nghệ… khoảng 630 tấn. Đó là chưa kể đến rau củ quả khoảng 1.230 tấn và gần 1,5 triệu quả trứng gà, vịt.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết về nguồn cung sản phẩm chăn nuôi tại Bình Dương vẫn duy trì đa dạng và dồi dào, bảo đảm cung ứng tốt cho nhu cầu tiêu thụ không chỉ tại thị trường Bình Dương mà còn cho các tỉnh lân cận.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện các DN sản xuất, phân phối, ngành chức năng, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kế hoạch đẩy mạnh nguồn hàng ra thị trường, cung ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện 17 DN tham gia dự trữ hàng hóa BOTT đang tích cực xúc tiến ký hợp đồng với các nhà cung ứng, tập trung vào 5 nhóm mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp tết với tổng giá trị đạt khoảng 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người). Trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các chợ truyền thống 9 huyện, thị, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 236,2 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết hiện ngành đang phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mặt khác, quản lý thị trường cũng phối hợp với các đội kiểm tra liên ngành để thực hiện các đợt kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.