Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm
ĐBP - Để chuẩn bị tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương đã tăng cường dự báo nguồn cung cầu hàng hóa, tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết; bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa. Hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo dự trữ đủ lượng hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân với giá cả hợp lý, trong đó tập trung vào các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, vật tư y tế...
Người dân mua sắm tại Siêu thị Hoa Ba. Ảnh: Quốc Huy
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi biên giới” nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Hướng dẫn, đôn đốc thương nhân được gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” bố trí hàng hóa sản xuất trong nước đảm bảo số lượng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý theo đúng cam kết. Hướng dẫn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng phục hồi sau dịch bệnh, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các đại lý đầu cơ hàng nâng giá, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, các mặt hàng phục vụ tết như bánh kẹo, bia, nước giải khát… được các chủ doanh nghiệp, tiểu thương lên kế hoạch chuẩn bị. Theo dự báo, dịp tết năm nay các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, siêu thị, đại lý bán hàng đều có kế hoạch gia tăng sản xuất, kinh doanh so với những năm trước. Đến nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh lên kế hoạch bổ sung, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là dịp cuối năm, như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cát Lợi chuẩn bị các mặt hàng sữa, mì tôm, nước đóng chai, bánh kẹo... khoảng 20.000 thùng mì tôm và hàng hóa khác các loại trị giá khoảng 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Việt Mận tỉnh Điện Biên chuẩn bị 5.000 thùng mỳ, hàng hóa khác trị giá khoảng 7 - 8 tỷ đồng; Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba chuẩn bị các mặt hàng trị giá 30 tỷ đồng; Hợp tác xã Tâm Thiện chuẩn bị 700 tấn sản phẩm lúa gạo; Công ty TNHH Thương mại và Nông sản sạch Thiên Đức Minh Điện Biên chuyên cung cấp hàng hóa cho huyện Nậm Pồ, Mường Nhé gia cầm, trứng, hàng công nghệ phẩm (thịt gà 10 tấn/tháng, trứng gà 30.000 quả)...
Là một trong những doanh nghiệp lớn về cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh, đến nay Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba (Siêu thị Hoa Ba) tích cực thực hiện quy định về dự trữ nguồn hàng phục vụ tết. Theo đó, ngay từ đầu tháng 12, Siêu thị đã lên kế hoạch cụ thể, chủ động trong việc cân đối lượng hàng bán ra, bảo đảm cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cao điểm. Đặc biệt, các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Mì ăn liền, gạo, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, rau củ quả... được tăng cường, không để tình trạng thiếu hàng xảy ra. Hiện nay siêu thị có trên 30 nhóm hàng với khoảng 30.000 mặt hàng đảm bảo cung cấp cho người dân. Cùng với đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị cũng cam kết có mức giá tốt nhất cho thị trường cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi nhân dịp tết và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh công tác chuẩn bị hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường Điện Biên tăng cường công tác kiểm tra nhằm ổn định thị trường, không để tình trạng tăng giá bất thường. Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Điện Biên cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại diễn biến sôi động hơn những tháng trước. Mức luân chuyển hàng hóa ở hầu hết các nhóm mặt hàng. Giá cả thị trường có biến động tăng, nhưng mức tăng không đáng kể. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện theo quy định; các vụ việc vi phạm có quy mô, tính chất phức tạp, mức độ không lớn. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2021, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 114 vụ, và phát hiện 29 vụ vi phạm các quy định về giá, nhãn mác, an toàn thực phẩm... Để bình ổn thị trường hàng hóa trong dịp cuối năm, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội, tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá.