Chủ động nguồn cung nông sản cho thị trường cuối năm

Để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi, kết nối với các tỉnh, thành phố.

Dây chuyền giết mổ gia cầm tại Công ty TNHH Green Chicken (huyện Thường Tín).

Dây chuyền giết mổ gia cầm tại Công ty TNHH Green Chicken (huyện Thường Tín).

Đây là những nội dung được thảo luận tại tọa đàm về nhu cầu, thị hiếu, phổ biến quy định thị trường do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 6-8.

Các đại biểu tham quan gian hàng của các tỉnh trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Các đại biểu tham quan gian hàng của các tỉnh trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Bảo đảm nguồn cung, chất lượng

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang trong tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới đáp ứng 20-70% (tùy sản phẩm) nhu cầu của hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được bổ sung từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Để bảo đảm nguồn cung, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo phát triển sản xuất theo chuỗi (liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ) nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp sinh thái...

Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển gần 1.000 chuỗi liên kết nông sản an toàn; đồng thời hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản, đặc sản vùng miền.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, kịp thời có cảnh báo nếu phát hiện nguy cơ. Năm 2023, tỷ lệ mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm còn 4,4%; 6 tháng đầu năm 2024, 98% mẫu giám sát đều bảo đảm.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh, thành phố được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn. Chẳng hạn, tỉnh Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây/năm. Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả/năm. Hải Dương cung cấp hơn 30.000 tấn thủy sản/năm. Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với hơn 66.000 tấn/năm…

100% chuỗi cung cấp thực phẩm từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện…

Bám sát diễn biến cung - cầu

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp duy trì, phát triển chuỗi; khuyến khích, hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất tốt theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; HACCP, ISO22000... Sở phối hợp Sở Công Thương theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh thông tin về tình hình cung - cầu; chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ đời sống người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; tập trung vào sản phẩm tiêu thụ lớn, nhất là trong các dịp cao điểm như Tết Trung thu, cuối năm...

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Kết luận tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa nhận định, nhìn chung nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội dịp cuối năm như thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau… tương đối dồi dào. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường phối hợp các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin hai chiều về tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng.

Ngoài ra, Hà Nội cần tăng cường tập huấn về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; các rào cản thị trường nước ngoài... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang

Cũng tại tọa đàm, đại diện Bộ NN&PTNT phổ biến, cập nhật quy định về quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; thông tin tình hình bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) và các khuyến nghị đối với người sản xuất, kinh doanh…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-nguon-cung-nong-san-cho-thi-truong-cuoi-nam-674020.html