Chủ động nguồn nhân lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình trọng điểm
Để làm được điện hạt nhân, ngoài lựa chọn các công nghệ phù hợp thì trước mắt và trong tương lai chúng ta cần chủ động được nguồn nhân lực.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà tại Hội thảo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) tại Việt Nam, chiều 24/4, do Trường đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) tổ chức.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội thảo.
Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, trong những năm gần đây đất nước có những bước chuyển mình, cơ sở hạ tầng kết nối ngày càng đồng bộ, toàn diện và hiện đại. Nhu cầu năng lượng quốc gia gia tăng với tốc độ ngày càng cao, vừa đáp ứng cho nhu cầu sản xuất ngày càng cao; đồng thời với yêu cầu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch, ổn định và hiệu quả là hết sức cấp thiết. Điện hạt nhân chính là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, công nghệ mà còn là câu chuyện của con người, từ thiết kế, thi công, vận hành đến bảo trì. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.
"Tôi đánh giá cao vai trò chủ động của Trường đại học Xây dựng Hà Nội, một đơn vị đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị nguồn lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, trong đó có điện hạt nhân. Nhà trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật phức tạp. Đặc biệt, là các công trình đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và độ chính xác cao như NMĐHN", Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh.

PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, một trong bốn nhiệm vụ quan trọng trong việc tái khởi động lại các dự án điện hạt nhân đó là đào tạo nguồn nhân lực.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho các dự án NMĐHN và công trình đặc biệt, HUCE đã xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư kỹ thuật xây dựng chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Theo PGS.TS Phạm Thái Hoàn, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, HUCE, hiện Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng NMĐHN, trong khi nhu cầu sử dụng điện sạch và ổn định đang gia tăng mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điện hạt nhân là một trong những giải pháp tiềm năng, đồng thời yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và công nghệ.
Với thế mạnh là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực xây dựng, HUCE có đầy đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và kinh nghiệm đào tạo để triển khai chương trình mới. Khung chương trình bao gồm 60 tín chỉ kiến thức chuyên sâu về thiết kế, thi công, vật liệu và quản lý chất lượng công trình hạt nhân, dự kiến đào tạo trong 1,5–2 năm.
Chương trình cũng hướng tới các công trình năng lượng đặc biệt như điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, trung tâm logistics quy mô lớn, công trình quốc phòng - an ninh và y tế chuyên biệt. Đây là bước đi chiến lược nhằm chuẩn bị lực lượng kỹ sư có trình độ cao, sẵn sàng tham gia các dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia trong tương lai gần.

Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo cũng được nghe các tham luận như: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và một số nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam của TS Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); Xây dựng công trình NMĐHN theo công nghệ Liên bang Nga của PGS.TS Bạch Đình Thiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới (HUCE).
Nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề môi trường của GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện khoa học và Kỹ thuật Môi trường (HUCE); Chiến lược định hướng điện hạt nhân tại Pháp, châu Âu và khả năng đóng góp về đào tạo nhân lực hạt nhân của đại diện Mạng lưới Chuyên môn hạt nhân Việt Nam tại Pháp và châu Âu (VietNuc).
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng và các chuyên gia nhà khoa học.