Bứt phá từ dữ liệu: 'Chìa khóa' phát triển logistics bền vững trong kỷ nguyên 4.0
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước.

Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều ngày 24/4. Ảnh: Cấn Dũng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng
Hội thảo nhằm thảo luận các nội dung: Chuyển đổi số trong logistics - Tác động của công nghệ như AI, IoT, blockchain trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng; một số định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới; phát triển logistics xanh: Xu hướng bền vững, giảm thiểu khí thải carbon và sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường; tăng cường kết nối vận tải đa phương thức và phát triển kho thông minh nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ; xu hướng phát trtiển logistics trong kỷ nguyên số và tác động đến thương mại điện tử.
Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang là một trung tâm logistics hạng II cấp quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối đa phương thức giữa các vùng kinh tế phía Bắc.
Bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng Giám đốc của Công ty Logistics Quốc tế Bắc Giang nhấn mạnh, doanh nghiệp có kết nối 5 phương thức vận tải có thể giải quyết các vấn đề về kết nối đa phương thức.
Một trong những công nghệ cốt lõi giúp chuyển mình từ logistics truyền thống sang logistics số chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các công cụ về cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, chúng ta cần đưa các cơ sở dữ liệu thu được trong quá trình vận hành vào ứng dụng hàng ngày, từ đó giúp việc vận hành trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc phân tích dữ liệu này còn giúp tối ưu chi phí vận hành.
Kỷ nguyên 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng gây ra nhiều thách thức đối với các lĩnh vực, trong đó có logistics, đòi hỏi các giải pháp để thúc đẩy ngành logistics phát triển bền vững.
Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo trình Chính phủ về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu điều phối phiên thảo luận với chủ đề: Chuyển đổi số trong logistics - Tác động của công nghệ như AI, IoT, blockchain trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng.