Chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô
Để chủ động nguồn nước tưới cho mùa khô năm nay, ngoài các công trình thủy lợi do tỉnh, huyện đầu tư xây dựng, nông dân trên địa bàn huyện Đồng Phú đã và đang thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ dân đã chủ động đào ao, khoan giếng, xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng.
Tại các vùng trồng nhiều cây ăn trái (bưởi, sầu riêng, bơ) như Thuận Phú, Tân Hưng, Tân Phước, huyện Đồng Phú, nông dân đã chủ động tìm nguồn nước tưới để ứng phó với mùa khô. Tuy chưa đến mức “khát nước” nhưng thời điểm này nhiều loại cây trồng đang trong giai đoạn ra bông, dưỡng trái. Để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, bà con đang chủ động tưới, cung cấp đủ nước cho cây trồng. Cùng với đó, nhiều hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước cũng được nhà nông áp dụng để đảm bảo các vườn cây luôn đủ nước. Ngoài nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, ao, hồ, các công trình thủy lợi thì người dân còn đầu tư hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô.
Ông Nguyễn Quang Đại ở ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha bơ xen bưởi, những tháng cuối của mùa khô năm trước, 1/3 diện tích vườn không đủ nước tưới... Để chủ động ứng phó với mùa khô năm nay, tôi đã thuê thợ về khoan giếng vì hiện giếng khoan nhà tôi chỉ sâu 80m, giờ phải khoan thêm 60m nữa mới đủ nước tưới cho vườn cây”.
Còn anh Nguyễn Văn Thắng ở ấp 5, xã Đồng Tâm nói: “Vào đỉnh điểm mùa khô, nhà nào cũng tưới nên mạch nước ngầm bị hụt nhanh. Giếng của gia đình tôi phải khoan tới 130m mới đủ nước tưới trong một buổi cho 2 ha mít và hồ tiêu. Chi phí khoan giếng hết 24 triệu đồng, tiền mua ống nhựa, máy bơm hết 5 triệu nữa, tính ra hết tổng gần 30 triệu đồng”. Anh Thắng cho biết thêm, may mắn là giếng khoan có nước, chứ nhiều gia đình khoan không trúng mạch, thợ thì mất công khoan, chủ phải bù tiền dầu và một ít chi phí, lại mất nhiều thời gian. Thậm chí có những hộ khoan đến 2 giếng mà cũng không đủ nước tưới cây nên về mùa khô gặp rất nhiều khó khăn.
Qua nhiều mùa khô, đã phải xoay xở tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, rút kinh nghiệm nên anh Lê Văn Thụ ở ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú đang canh tác 2 ha sầu riêng đã chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó trong mùa khô. Đầu mùa khô này, anh Thụ đã đầu tư hơn 50 triệu đồng thuê xe cơ giới đào lại ao, mua bạt chuyên dụng để dự trữ nước. Anh Thụ cho hay, năm ngoái, vườn cây của anh bị ảnh hưởng do thiếu nước, đến giữa mùa khô thì ao cạn. Sau một thời gian tập trung chăm sóc, vườn cây đã được phục hồi và ra đọt non. Với diện tích ao trong vườn nhà hiện có, anh có thể trữ tối đa hơn 1.500m3 nước, đảm bảo cung cấp nước tưới cho vườn cây.
Anh Thụ cho biết: “Sầu riêng đang trong thời kỳ phát triển nên việc đảm bảo nguồn nước tưới rất quan trọng. Mùa khô thường kéo dài 6 tháng nên nếu không có cách để duy trì độ ẩm, sẽ làm sầu riêng bị khô rễ, rụng lá, thậm chí chết khô. Để duy trì nước tưới, tôi phải đào ao trữ nước ngay trong vườn”. Từ ao nước này, anh Thụ đặt hệ thống máy bơm công suất lớn để đẩy nước lên các đường ống, chuyển đến từng gốc cây theo phương pháp tưới tiết kiệm.
Theo anh Phạm Văn Giang, chủ một cơ sở khoan giếng ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú thì từ trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, anh đã nhận khoan 12 giếng cho người dân trong huyện. Mỗi giếng sâu khoảng 100m phải khoan mất 5-7 ngày với giá từ 200-220 ngàn đồng/m (tùy từng khu vực). Đó là thuận lợi, nước đủ nhu cầu của chủ nhà; còn trường hợp mũi khoan không gặp mạch nước thì phải chọn địa điểm khác, có khi khoan được 1 giếng mất cả nửa tháng mới xong, vừa tốn công lại tốn chi phí…
Trước tình hình thời tiết ngày càng nắng nóng nên công tác phòng, chống hạn và vận động nhân dân thực hiện tưới tiết kiệm vẫn đang được các cấp chính quyền địa phương tích cực triển khai. Với sự chủ động ứng phó như năm nay, bà con nông dân mong rằng sẽ có một mùa sản xuất hiệu quả, đạt năng suất cao.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/130825/chu-dong-nguon-nuoc-tuoi-trong-mua-kho