Chủ động nhiều giải pháp ứng phó xâm nhập mặn
Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, tình hình hạn mặn năm 2025 trên địa bàn không nghiêm trọng như mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020 nhưng ở mức cao và sẽ có những giai đoạn diễn biến cực đoan, gay gắt.
Do đó, dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng người dân và ngành chức năng tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.

Hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn xã Lương Nghĩa (Long Mỹ, Hậu Giang) đảm bảo phòng, chống mặn.
Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là một trong những địa phương trong tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn khá sớm trong mùa khô người dân luôn chủ động trong phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất.
Đã nhiều năm canh tác trên 4.000 m2 lúa ở vùng ngoài đê bao nên ông Nguyễn Minh Ca, ấp 6, xã Lương Nghĩa, có nhiều kinh nghiệm khi sản xuất trong mùa hạn mặn. Ông Ca chia sẻ: "Vào mùa khô, sản xuất ở vùng ngoài đê nên tôi và bà con có sự chủ động trong phòng, chống xâm nhập mặn. Tôi xuống giống theo lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, lấy nước vào ruộng phù hợp để hạn chế ảnh hưởng do nước mặn xâm nhập, thường xuyên cập nhật về nồng độ mặn do ngành chức năng thông báo và quan sát thủy triều để dự đoán tình hình mặn nên tôi rất yên tâm khi sản xuất. Đồng thời, khi hết vụ lúa Đông - Xuân, tôi cũng tận dụng nước mặn để sản xuất vụ tôm, đất canh tác không bị bỏ phí khi mùa hạn mặn đến”.
Còn ông Đinh Thanh Dững, Giám đốc Hợp tác xã Đại Phát, (ấp 8, xã Lương Nghĩa) cho biết, mỗi ngày, bà con thành viên hợp tác xã đều xem thông báo về độ mặn được cán bộ chuyên môn thông tin trên nhóm zalo của xã. Khi độ mặn ở mức an toàn, ông sẽ thông báo cho bà con đưa nước vào ruộng. Ông và các thành viên hợp tác xã cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, trạm bơm nhằm đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng vận hành khi nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng thực hiện các giải pháp để bảo vệ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa thông tin, đến nay, tình hình hạn mặn trên địa bàn xã không gay gắt như các năm trước. Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, chính quyền địa phương phối hợp tốt với ngành nông nghiệp vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo không để mặn xâm nhập vào vùng sản xuất lúa, tổ kỹ thuật thông báo thường xuyên đến các ấp về tình hình xâm nhập mặn và đảm bảo việc lưu thông đường thủy của người dân.
Hiện địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) giáp ranh xã Lương Nghĩa đang lấy nước mặn xuống giống vụ nuôi tôm nên địa phương phối hợp với huyện Hồng Dân trao đổi thông tin kịp thời về việc lấy nước mặn để bà con trên địa bàn xã Lương Nghĩa chủ động việc tưới tiêu.
Theo dự báo của ngành chức năng, năm 2025, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra từ hướng biển Đông ảnh hưởng thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, một phần huyện Phụng Hiệp; từ các kênh chính của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng thị xã Long Mỹ, một phần huyện Phụng Hiệp; từ biển Tây, mặn theo sông Cái Lớn, sông Nước Trong ảnh hưởng huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh. Vùng nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn ước tính khoảng 140.000 - 170.000 ha, bao gồm vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Hè Thu 2025 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết, tình hình nồng độ mặn năm 2025 hiện đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm và chưa gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn sắp tới sẽ có giai đoạn diễn ra cực đoan, gay gắt.
Thời gian tới, ngành chức năng tập trung theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và khu vực, tiếp tục phát huy hiệu quả của 10 trạm đo mặn tự động trên địa bàn; có kế hoạch vận hành cống ngăn mặn phù hợp diễn biến mặn trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra các công trình trữ nước ngọt, rà soát, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước đảm bảo trữ nước ngọt và ngăn nước mặn phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa.

Nồng độ mặn ở Hậu Giang được quan trắc và cập nhật hàng ngày nhằm thông tin kịp thời đến bà con.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khuyến cáo, người dân cần theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn cũng như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, xuống giống đúng lịch thời vụ; chuẩn bị xây dựng đập thời vụ, đập kiên cố tại các kênh rạch chưa có cống khi độ mặn đạt 1,5‰, đặc biệt với cây trồng nhạy cảm như sầu riêng là 0,5‰. Đồng thời, tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm; tận dụng kênh, rạch hiện có để trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước cho cây trồng, vật nuôi.