Chủ động phòng bệnh khi trời chuyển lạnh

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều khiến cơ thể con người không kịp thích nghi, dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng, các bệnh liên quan đến đường hô hấp... phát triển. Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra ở thời điểm này để chủ động phòng ngừa.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa). Ảnh Trang Thu

Quá tải bệnh nhân nhập viện

Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) vào cuối giờ sáng 20-10, phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận không khí làm việc bận rộn của các y, bác sĩ nơi đây. Tại khoa có 50 giường bệnh theo kế hoạch, nhưng đã phải kê thêm nhiều giường bệnh ngoài hành lang để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Nếu như trong tháng 9-2020, khoa điều trị 106 trường hợp sốt xuất huyết, thì từ đầu tháng 10-2020 đến sáng 20-10, số trường hợp sốt xuất huyết nhập viện đã là 107 ca.

Tại thời điểm các y, bác sĩ chuẩn bị nghỉ ăn trưa, bệnh nhân Trần Phương H. (23 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm sâu… Ngay lập tức, bác sĩ đã khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân H. mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cho biết, theo chu kỳ, thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 12 đến 18-10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 370 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 155 xã, phường, thị trấn. Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 4.074 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết thời điểm hiện tại giảm 47%. Tuy nhiên, trong tháng 10-2020, số ca mắc sốt xuất huyết dao động khoảng 350-450 ca/ tuần, tăng từ 50 đến 100 ca/tuần so với tháng 9-2020.

Cùng với sốt xuất huyết, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm 2020 đến ngày 18-10, Hà Nội ghi nhận 2.887 trường hợp bị bệnh tay chân miệng. Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu tháng 7-2020 đến nay, số trẻ đến khám bệnh này tăng nhanh. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện cho biết, hiện có hơn 70 trẻ đang điều trị nội trú và phần lớn trong tình trạng nặng.

Liên quan đến sự thay đổi thời tiết thời điểm này, các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng có dấu hiệu gia tăng. Hiện tại, Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) có 155 giường bệnh và luôn trong tình trạng kín chỗ. Mỗi ngày, các bác sĩ phải luân chuyển từ 25 đến 30 trẻ sau khi điều trị bệnh thuyên giảm, chuyển về tuyến dưới để tiếp nhận thêm bệnh nhi nặng nhập viện, tránh tình trạng nằm ghép. Đặc biệt, trong số trẻ đang điều trị tại đây có tới 60 bệnh nhi phải thở oxy (chiếm gần 40% số bệnh nhân nội trú).

Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thời gian gần đây, trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, tập trung ở nhóm tuổi từ 1 đến 3 tuổi…

Điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: Xuân Lộc

Cách phòng bệnh hữu hiệu

Để phòng các bệnh trong giai đoạn giao mùa hiện nay, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao, ánh sáng mặt trời ít, làm cho vi rút sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn. Đặc biệt, với trẻ em, cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ; hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, không ngậm đồ chơi, thực hiện ăn chín, uống chín...

“Khi ra bên ngoài, trẻ cần được giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang, nhất là hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ, vì có thể lây bệnh. Nếu trẻ ốm nên được chăm sóc tại gia đình. Cha mẹ nên cho con tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm, phế cầu và những bệnh lý theo quy định của Bộ Y tế. Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều cần đưa đi khám; không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị”, bác sĩ Đặng Thị Thúy khuyến cáo.

Đặc biệt, thời tiết giao mùa rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh lưu ý, vi rút dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp là D1, D2, D3 và D4 và một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các týp vi rút khác nhau. Vì vậy, người dân hãy chú ý các biện pháp phòng ngừa, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã có khoảng 50 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng nhưng nguy cơ xâm nhập luôn thường trực. Bởi vậy, cùng với phòng ngừa các bệnh thường gặp trong giai đoạn giao mùa, người dân hãy tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/981531/chu-dong-phong-benh-khi-troi-chuyen-lanh