Chủ động phòng cháy chữa cháy rừng mùa nắng nóng

Ngày 10-7, một vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực Bãi Bụt (sườn Taluy Âm) thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Từ khi phát hiện đến 5 giờ 15 ngày 10-7, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Q. Sơn Trà đã phải điều động nhiều đợt xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC , đồng thời huy động thêm lực lượng chi viện từ CAQ Ngũ Hành Sơn, lực lượng kiểm lâm, người dân địa phương để phối hợp dập lửa, cứu rừng Sơn Trà. Hiện nay, tình hình nắng nóng trên cả nước đang diễn biến bất thường. Điều này khiến cho những cánh rừng trên địa bàn TP tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao nếu không được đảm bảo an toàn về PCCC. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCCC CATP Đà Nẵng đã chủ động các phương án phòng chống, ứng phó nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Lực lượng PCCC chữa cháy rừng Sơn Trà.

Lực lượng PCCC chữa cháy rừng Sơn Trà.

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, diện tích khoảng 4,4ha.Các Hạt Kiểm lâm của TP Đà Nẵng cũng đã xử phạt 8 trường hợp vi phạm hành chính về an toàn trong phòng cháy, chữa cháy rừng đối với chủ rừng và người vi phạm, với số tiền gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, đang xác minh, xử lý vi phạm đối với 1 vụ cháy gây thiệt hại rừng trồng tại địa bàn xã Hòa Liên (H. Hòa Vang). Trước thực trạng trên, Chi Cục Kiểm Lâm TP Đà Nẵng đã có công văn khẩn về việc triển khai công tác bảo vệ và phòng cháy rừng mùa khô 2019.

Xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) có gần 20.000 ha diện tích rừng trồng, lại nằm ở vị trí địa lý khá khắc nghiệt, mùa khô kéo dài. Theo quy định của lực lượng kiểm lâm và chính quyền nơi đây, người dân muốn đốt rừng thực bì sau khi khai thác thì phải có văn bản, được sự đồng ý mới được đốt và có phương án phòng cháy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong công tác quản lý vấn đề này khiến chính quyền, cơ quan chức năng, chủ rừng bất an, vất vả tìm biện pháp ngăn chặn. Ông Thái Văn Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: "Hiện nay phải nói công tác PCCC rừng luôn được quan tâm, ngoài trách nhiệm của UBND xã là chủ rừng, chúng tôi tăng cường biện pháp tuyên truyền. Nhưng địa bàn xã rất rộng, đôi khi người dân sử dụng lửa và ý thức của người dân còn kém nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác PCCC rừng".

Kiểm tra công tác PCCC rừng Sơn Trà.

Kiểm tra công tác PCCC rừng Sơn Trà.

Một trong những nguy cơ dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn, chủ quan trong công tác đốt, dọn thực bì hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tại khu vực rừng nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống cháy rừng luôn được lực lượng PCCC chú trọng. Theo Thiếu tá Trần Thanh Hải-Phó Đội trưởng đội Công tác Phòng Cháy- CATP Đà Nẵng, qua một số vụ cháy rừng diễn ra thời gian qua, CATP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại một số địa phương có rừng trên địa bàn TP như Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Hiệp Bắc, Thọ Quang... Nội dung kiểm tra bao gồm kiểm tra hồ sơ quản lý, theo dõi dự báo cháy rừng, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC rừng, lực lượng bảo vệ rừng và PCCC rừng, công tác quản lý và sử dụng lửa trong rừng... qua đó phát hiện các tồn tại trong công tác phòng cháy rừng tại các địa phương và đề xuất các hướng khắc phục. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng đề nghị chủ rừng, UBND các phường tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không tự ý đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng hiện nay, có biện pháp quản lý những người lạ vào rừng sử dụng nguồn lửa gây cháy, tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng và nhân dân địa phương về công tác PCCC rừng, kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ. Rà soát lại phương án chữa cháy cho từng loại rừng cụ thể, phù hợp với điều kiện phương tiện, nguồn nước chữa cháy. Yêu cầu chủ rừng kiểm tra, phát dọn thực bì làm đường băng lửa theo hướng dẫn kỹ thuật hiện hành đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao, kiểm tra, sửa chữa, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện dụng cụ PCCC rừng phù hợp với địa hình, loại rừng. Khi xảy ra cháy rừng, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp, Ủy ban Nhân dân địa phương, cơ quan kiểm lâm, đơn vị vũ trang gần nhất tham gia cứu chữa.

Tình hình nắng nóng vẫn còn có thể tiếp tục diễn ra hết sức khắc nghiệt và khó dự đoán vì vậy để công tác PCCC rừng thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên của thành phố, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng không nấu nướng, đốt lửa trại... khi chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

VIỆT THÀNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_209319_chu-dong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-nang-nong.aspx