Chủ động phòng cháy, chữa cháy theo phương châm '4 tại chỗ'
Trong chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ này, Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang sẽ trả lời các câu hỏi xung quanh công tác phòng cháy và chữa cháy
- Phóng viên: Đồng chí cho biết sơ nét về tình hình cháy thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Từ đầu năm 2024 tình hình cháy trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp với gần 10 vụ cháy, so với năm 2023 tăng khá cao, không thiệt hại về người nhưng về tài sản thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn nhiều vụ cháy rừng với diện tích khá lớn. Mặc dù đã có sự chủ động trong công tác phòng ngừa nhưng tình hình rất lo ngại. Trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả để tiếp tục ngăn ngừa các vụ cháy xảy ra.
- Phóng viên: Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ cháy, ngoài nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan nào hay không?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 10 vụ cháy, hầu hết là cháy nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Ngoài nguyên nhân khách quan, chúng tôi đánh giá cơ bản do nguyên nhân chủ quan là chính. Nguyên nhân chính ở hầu hết các vụ việc đều do người dân thực hiện không đúng quy tắc về phòng cháy, chữa cháy, nhất là trong sử dụng điện, sử dụng lửa trong sinh hoạt. Chúng tôi cũng đã nhận diện được nguyên nhân để tập trung giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, nhất là trong tuyên truyền, tăng cường kiểm tra phòng cháy, chữa cháy.
- Phóng viên: Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, lực lượng công an là một trong những lực lượng chủ lực, quan trọng nhất, vậy trường hợp có cháy xảy ra thì người dân sẽ liên hệ ở đâu và qua số điện thoại nào?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định rất rõ khi phát hiện xảy ra đám cháy, những người xung quanh gần nhất phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng và cùng nhau tham gia chữa cháy. Chính phủ có nghị định quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện xảy ra đám cháy phải lập tức báo cáo, thông báo nhanh đến đội dân phòng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ và cơ quan công an gần nhất như công an phường, xã; thông báo đến chính quyền cơ sở như ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn. Đó là những nơi mà người dân cần phải báo sớm nhất bằng mọi cách để huy động lực lượng chữa cháy và trực tiếp tham gia chữa cháy.
Ngoài ra còn có số điện thoại 114 - đây là số điện thoại thống nhất trên toàn quốc về báo cháy. Vừa qua cũng có một ứng dụng 114 trên điện thoại thông minh để người dân thuận lợi trong việc báo cháy. Tất cả công dân khi phát hiện đám cháy thì báo ngay cơ quan chức năng qua số điện thoại nói trên.
- Phóng viên: Tình hình cháy, nổ luôn tiềm ẩn nguy cơ và công tác phòng, chống cháy, nổ là công việc thường xuyên và lâu dài, vậy thời gian tới các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần thực hiện những biện pháp nào?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Những nguyên nhân gây cháy có nguyên nhân chủ quan do sơ suất của con người trong quá trình sử dụng điện, sử dụng lửa và các thiết bị khác có thể gây ra nhiệt, lửa…
Do vậy, chúng tôi quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy đến công dân, nhất là Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 3-1-2023 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Chúng tôi tập trung tuyên truyền ở các khu vực đông dân cư, khu vực nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, cơ sở công nghiệp lớn…
Chúng tôi tuyên truyền về công tác phòng ngừa và rất mong người dân tham gia tích cực mô hình phòng cháy, chữa cháy tại địa phương như tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, mỗi gia đình trang bị một bình chữa cháy… Về phương châm chữa cháy phải thực hiện “4 tại chỗ”. Do vậy công tác phòng ngừa và 5 phút vàng đầu tiên để chữa cháy là rất quan trọng. Nếu người dân phát hiện đám cháy mà có thể chữa cháy tốt trong 5 phút đầu tiên thì những vụ việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Lực lượng chuyên ngành tại chỗ phải thường xuyên tập luyện và kiểm tra các phương án chữa cháy để sẵn sàng xử lý những tình huống xảy ra tại cơ quan, gia đình và khu dân cư. Người dân cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, phương tiện, thiết bị, con người, nguồn nước… để phục vụ công tác chữa cháy. Đối với lực lượng công an, nhất là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, chúng tôi đã chỉ đạo tập trung kiểm tra, hướng dẫn và nhất là tiếp tục triển khai các giải pháp chuẩn bị sẵn sàng về con người, phương tiện để tham gia chữa cháy, cùng với các cơ quan, ban, ngành và cá nhân khi có sự cố chảy xảy ra…
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
Mọi thắc mắc, yêu cầu, người dân có thể gửi câu hỏi, thư từ về cho chuyên mục tại địa chỉ email danhoichinhquyentraloi@kiengiang.gov.vn; hoặc cơ quan Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang: Số 9 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá; Báo Kiên Giang: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
TÂY HỒ thực hiện