Chủ động phòng chống bệnh giao mùa

Các bác sĩ khuyến cáo, giữ vệ sinh thân thể, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý cùng với tiêm vaccine cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các bệnh giao mùa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời tiết giao mùa hiện nay dễ khiến các loại virus, vi khuẩn, côn trùng sinh sôi khiến trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, có nguy cơ mắc các bệnh từ đường hô hấp, tiêu hóa… Các bác sĩ khuyến cáo, giữ vệ sinh thân thể, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý cùng với tiêm vaccine cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các bệnh giao mùa.

Sáng 27-3, chờ đến lượt khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Nguyễn Trần Thanh Mai (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết: “Con gái sốt 3 ngày, dù uống hạ sốt nhưng vẫn tái đi tái lại. Hôm qua cháu bắt đầu ho, ăn uống kém nên tôi đưa cháu đi khám”. Sau khi được xét nghiệm, con gái chị Mai được chẩn đoán sốt siêu vi, được bác sĩ kê đơn thuốc và hẹn tái khám.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, hơn nửa tháng qua, số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đến khám có dấu hiệu tăng, khoảng 100-150 trẻ/ngày; đa số bị sốt siêu vi, kéo theo các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên.

Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận, trẻ nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng tăng 20%-25% so với trước; phần lớn bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi.

Mới đây, TPHCM ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp tại một trường học ở quận 10 khiến 20 học sinh phải nghỉ học. Các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Trước đó, hơn 200 học sinh Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) cũng có các triệu chứng sốt, mệt. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, nhìn nhận, các chùm ca bệnh liên quan đến hô hấp trong các trường học xuất hiện gần đây đa số do thời tiết giao mùa gây ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 3 tháng đầu năm nay ghi nhận trên 550 ca mắc thủy đậu, chủ yếu ở nhóm trẻ mầm non và tiểu học, 117 trường hợp mắc tay chân miệng, gần 200 ca sốt xuất huyết.

BSCK1 Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng bệnh có xu hướng gia tăng, trung bình 1.900 lượt/ngày đến khám. Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc đã ghi nhận trên 3.300 ca mắc thủy đậu; hơn 13.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp cúm A, tay chân miệng.

Thời tiết giao mùa cũng là lúc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, tay chân miệng… và bệnh lây truyền qua côn trùng như bệnh sốt xuất huyết gia tăng.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo sở y tế chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống và sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch; đảm bảo công tác thu dung, điều trị để hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Theo các chuyên gia, tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cũng như hạn chế bệnh chuyển nặng nếu không may mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-dong-phong-chong-benh-giao-mua-post683653.html