Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2020
Ngày 16-12-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2020.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt các nội dung: Chủ động quản lý, giám sát đối với rầy lưng trắng; vệ sinh đồng ruộng, diệt ký chủ phụ của bệnh và thực hiện tốt kỹ thuật thâm canh. Trong đó, vụ xuân phải điều tra giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng tại những nơi rầy cư trú qua đông; lấy mẫu rầy lưng trắng để giám định vi-rút và quản lý chặt chẽ rầy di trú, rầy lứa 1, so sánh với vụ trước để quyết định phương án xử lý; xử lý rầy kết hợp với thu gom, tiêu hủy cây bị bệnh, tránh sự phát tán, lây lan nguồn bệnh. Cày ải sớm hoặc cày lật đất, ngâm nước để tiêu diệt nguồn bệnh. Khẩn trương hoàn thành làm thủy lợi nội đồng, lấy nước làm đất sớm và ngâm ruộng trong thời gian dài. Sử dụng giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, không sử dụng thóc thịt để làm giống. Gieo cấy tập trung, đảm bảo đúng khung thời vụ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp cho từng địa phương; khuyến khích gieo cấy 3 “cùng” và áp dụng phương thức sản xuất cánh đồng lớn; che phủ nilon cho 100% diện tích mạ xuân để chống rét và rầy xâm nhập. Bón phân cân đối N, P, K theo quy trình hướng dẫn nhằm tạo giàn lúa khỏe ngay từ đầu vụ. Trong vụ mùa, toàn bộ diện tích mạ được xử lý hạt giống, phun tiễn chân mạ bằng thuốc trừ rầy đặc hiệu. Riêng lúa gieo sạ phun thuốc sau khi xuống giống 15-20 ngày. Tổng vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, đưa nước vào ruộng, cày lật, vùi dập lúa chét, gốc rạ, giữ nước trong ruộng, bón vôi bột cải tạo đất.
Để thực hiện tốt những yêu cầu trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch cho người dân, đảm bảo hoàn thành trước 25-1-2020 trong vụ xuân và trước 20-6-2020 đối với vụ mùa. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý bệnh, phòng trừ rầy lưng trắng cho các đối tượng liên quan trước 30-1-2020 (vụ xuân) và 20-6-2020 (vụ mùa). Xây dựng chi tiết quy trình thâm canh lúa xuân, lúa mùa năm 2020; làm tốt công tác giám sát, xử lý nguồn bệnh và môi giới truyền bệnh; điều tra phát hiện rầy qua đông, rầy di trú, rầy trên mạ và các lứa rầy trong vụ; thường xuyên lấy mẫu rầy, mẫu lúa để giám định vi-rút; hướng dẫn sử dụng thuốc phòng, trừ và kiểm tra đánh giá hiệu quả thuốc. Chủ động tham mưu, hướng dẫn các biện pháp chỉ đạo phòng, trừ bệnh đảm bảo hiệu quả, kịp thời theo biến động mật độ rầy và kết quả phân tích mẫu rầy, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm việc kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Báo cáo tình hình, kết quả phòng trừ bệnh lùn sọc đen ở cuối mỗi vụ, thời gian hoàn thành trước 10-6-2020 và 30-11-2020. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen năm 2020; kiện toàn phân công rõ trách nhiệm đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo, cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn trước 25-12-2020. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, tổng vệ sinh đồng ruộng, đẩy nhanh tiến độ làm đất ngay sau khi thu hoạch. Tăng cường tuyên truyền để người dân, các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp biết về tính chất nguy hiểm của bệnh lùn sọc đen và các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện chế độ giám sát đồng ruộng và thường xuyên báo cáo về việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống lùn sọc đen về UBND tỉnh. Các công ty khai thác công trình thủy lợi khẩn trương nạo vét, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý, hoàn thành trước 31-12-2019 (vụ xuân) và 15-6-2020 (vụ mùa). Chủ động điều tiết nước phù hợp phục vụ làm đất, gieo cấy. Phối hợp UBND các huyện, các xã, thị trấn thực hiện việc đưa nước đổ ải, làm dầm; thay tháo nước để phục vụ kịp thời theo yêu cầu sản xuất. Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường./.