Chủ động phòng, chống cháy rừng
Những tháng đầu năm 2025, thời tiết hanh khô, lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm đã gây ra tình trạng cháy rừng tại nhiều địa phương khu vực miền Bắc. Ở tỉnh ta, ngày 16/4 đã xảy ra cháy 3 ha rừng tại đỉnh núi thuộc tổ dân phố số 8, phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng (khu vực giáp ranh với huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Đây là lời cảnh báo, cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng khi thời tiết tiếp tục diễn biến bất thuận.
Tỉnh ta hiện có khoảng 3.000 ha rừng tự nhiên, tập trung chính tại thị xã Kim Bảng và huyện Thanh Liêm. Toàn bộ rừng tự nhiên đều nằm trên các dãy núi đá vôi có địa hình hiểm trở. Với rừng trồng, phần nhiều là các loại cây thông, keo có lớp thực bì dày, dễ bắt lửa gây cháy. Đặc biệt, tại thị xã Kim Bảng có khu vực rừng bương thuộc địa phận xã Liên Sơn, rất dễ bắt lửa. Khu vực này nằm tiếp giáp với rừng tự nhiên là vùng lõi của loài Voọc mông trắng quý hiếm sinh sống…
Do đặc thù rừng núi đá nên trong rừng hầu như không có nguồn nước tại chỗ; đồng thời không có đường đi để có thể đưa các phương tiện chữa cháy hiện đại vào. Đây là khó khăn rất lớn trong công tác phòng, chống cháy rừng. Thực tế, với những vụ cháy rừng đã xảy ra, công tác chữa cháy chủ yếu dựa vào sức người và các phương tiện nhỏ, thô sơ, như: bình chữa cháy cá nhân, cưa xăng, chổi dập lửa, dao phát, cuốc, xẻng…
Ông Nguyễn Văn Cường, Phụ trách Hạt kiểm lâm khu vực Kim Bảng – Thanh Liêm cho biết: Địa hình rừng núi của tỉnh hiểm trở, khó đi lại, vì vậy công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn nếu xảy ra cháy rừng. Do vậy, cần phải luôn chủ động trong công tác phòng cháy để bảo vệ rừng. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đến việc chuẩn bị phương án phòng chống cháy rừng để có thể huy động tốt nhất nhân lực, phương tiện… khi có vụ việc xảy ra.
Chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, thời gian qua, các địa phương đã triển khai các biện pháp cần thiết, như: Kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên… Đồng thời, xây dựng phương án phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cũng được đẩy mạnh. Cơ quan chức năng đã xây dựng 28 biển cảnh báo cháy rừng đặt tại cửa rừng, những nơi người dân dễ nhận thấy; xây dựng 1 chòi canh lửa và cảnh báo sớm cháy rừng tại khu vực phường Ba Sao (thị xã Kim Bảng).
Phương án quản lý, bảo vệ rừng cũng được xây dựng sớm. Căn cứ tình hình thời tiết, lực lượng chức năng sẽ có dự báo, cảnh báo cháy rừng. Các địa phương có diện tích rừng tổ chức ký cam kết, thực hiện quy ước bảo vệ, phòng chống cháy rừng tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ven và trên diện tích đất rừng; ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản không để hoạt động dẫn đến cháy rừng. Cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương có rừng tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng theo quy mô cấp huyện, cụm xã tại những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng...

Biển cảnh báo cháy rừng tại phường Ba Sao (thị xã Kim Bảng).
Xã Thanh Sơn (thị xã Kim Bảng) có diện tích rừng tự nhiên lớn lên đến hơn 700 ha, đây cũng là vùng lõi nơi loài Voọc quần đùi trắng quý hiếm sinh sống, đang được quy hoạch khu bảo tồn sinh cảnh loài. Những năm qua, công tác phòng, chống cháy rừng luôn được địa phương quan tâm. Xã thường xuyên kiểm tra, xác định những vùng có nguy cơ cháy cao; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật phòng chống cháy rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân, chủ rừng khi ra, vào rừng phải nâng cao ý thức về việc đốt lửa, sử dụng lửa… Xã chú trọng chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, dụng cụ và hậu cần để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Trong kho dự trữ của xã có 20 bình chữa cháy cá nhân còn hoạt động tốt, hơn 20 dụng cụ thủ công (dao phát, cuốc, cào...).
Theo ông Vũ Quang Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, công tác phòng, chống cháy rừng luôn được UBND xã triển khai và chỉ đạo sát sao đến các lực lượng và các thôn có rừng. Những năm qua, các vụ cháy nhỏ (tại nơi đã cấp mỏ khai thác cho doanh nghiệp) đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không để cháy lan sang diện tích rừng tự nhiên.
Bên cạnh kết quả đã làm được, công tác phòng, chống cháy rừng tại các địa phương trong tỉnh còn có những hạn chế, đó là: Tuy đã được tuyên truyền, cảnh báo, nhưng vẫn có tình trạng người dân vào rừng tự do lấy củi, bắt ốc núi… dễ mang lửa gây cháy. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) hỗ trợ xây dựng và hoạt động đang gặp khó khăn bởi số lượng người mỏng (có 3 người). Khu bảo tồn sinh cảnh loài Voọc mông trắng vẫn chưa được thành lập ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ rừng…
Công tác phòng, chống cháy rừng được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái bền vững. Những tháng mùa hè, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao bởi lớp thực bì, cây cỏ khô dễ bắt lửa, vì vậy công tác phòng, chống cháy rừng càng cần được coi trọng để bảo đảm an toàn cho diện tích rừng tự nhiên, góp phần thúc đẩy phát triển môi trường xanh, bền vững.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/chu-dong-phong-chong-chay-rung-160556.html