Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bộ đội
Thời gian gần đây, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả số người mắc, cũng như số người chết.
Trước yêu cầu bảo vệ sức khỏe (BVSK) của bộ đội và nhân dân, ngành quân y và các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh (PCDB), đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương giúp nhân dân phòng, chống hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9-2019, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở các tỉnh phía Bắc đã giảm, nhưng số bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt vi-rút, viêm đường hô hấp… lại đang có xu hướng tăng. Ngược lại, ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, SXH vẫn diễn biến phức tạp. TP Đà Nẵng ghi nhận có hơn 4.000 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đứng thứ ba trong số 11 tỉnh miền Trung. Đặc biệt, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên có gần 27.000 trường hợp mắc SXH, tăng gấp hơn 13 lần so cùng kỳ năm 2018. Đáng tiếc là trong đó đã có 5 người tử vong.
Theo Đại tá Nguyễn Chính Phong, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), thì ngoài những nguyên nhân khách quan khiến dịch SXH tăng mạnh trong giai đoạn trước ở miền Bắc và giai đoạn này ở miền Trung, miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên, thì nguyên nhân chủ quan là nhận thức chung của nhân dân về phòng, chống SXH nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung chưa đầy đủ, khiến số người mắc bệnh tăng nhanh và tình trạng bệnh tăng nặng, xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Quân y đã có công văn, hướng dẫn, đề nghị cấp ủy, chỉ huy và ngành quân y các đơn vị tăng cường biện pháp BVSK bộ đội, ngăn chặn dịch bệnh tràn vào đơn vị. Theo đó, người chỉ huy và quân y cấp cơ sở phải nắm chắc tình trạng sức khỏe từng cán bộ, chiến sĩ. Khi quân nhân có dấu hiệu mắc bệnh phải được khám, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, chuyển tuyến theo đúng quy định; đồng thời thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của Cục Quân y. Đối với các bệnh lây nhiễm, khi phát hiện phải được cách ly ngay, tuyệt đối không để lan rộng thành dịch. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, sao cho mỗi quân nhân là một “lá chắn” trong PCDB nói chung, SXH nói riêng, biết cách tự phòng tránh cho bản thân cũng như cho đơn vị và gia đình. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, thiết thực, cuốn hút đông đảo bộ đội và nhân dân tham gia, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, đi đầu để nâng cao sức thuyết phục với bộ đội và nhân dân.
Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh, huy động hàng chục nghìn ngày công giúp nhân dân tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng, tiêu diệt và khống chế mầm bệnh. Các cơ sở quân y ngoài việc thu dung, điều trị bệnh nhân còn phối hợp với ngành y tế cơ sở tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Đây không chỉ là việc làm cần thiết giúp đỡ địa phương, BVSK nhân dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, mà còn là hành động góp phần tạo ra một cộng đồng, một khu vực có sức “đề kháng” với dịch bệnh.
Bước vào tháng 10, thời gian của sự “giao thoa” chuyển mùa, thời tiết trong ngày diễn biến nhiệt có biên độ lớn, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh tăng nhanh, nhất là các bệnh như sốt vi-rút, bệnh về đường hô hấp... Vì thế, thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị phía Bắc đã có quân nhân mắc bệnh, ảnh hưởng đến học tập, công tác. Tuy nhiên, khảo sát ở các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhờ làm tốt công tác PCDB nên chỉ một số trường hợp mắc bệnh, song được quân y chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác này, Đại tá Phan Đình Hoài, Chủ nhiệm Quân y BĐBP cho biết: "Sốt vi-rút lây truyền nhanh qua đường hô hấp, nhất là trong môi trường tập thể. Để phòng, tránh bệnh, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt. Tại các đơn vị BĐBP, quân y luôn bảo đảm cho bộ đội súc miệng bằng nước muối, nước súc miệng fluor; tham mưu với người chỉ huy bảo đảm quần áo giữ ấm cơ thể bộ đội, nhất là vùng cổ và ngực, nhất là các đồng chí làm nhiệm vụ vào thời điểm ban đêm; chủ động tăng cường chất lượng và bảo đảm cho bộ đội ăn chín, uống sôi, ăn uống khi thức ăn còn nóng, ấm; các đơn vị duy trì và động viên cán bộ, chiến sĩ không chỉ giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt mà phải siêng năng rèn luyện, nâng cao sức đề kháng để phòng, chống bệnh tật. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là vùng sâu, vùng xa luôn xây dựng, củng cố, duy trì doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; môi trường huấn luyện, sinh hoạt, công tác của bộ đội thoáng mát, sạch sẽ, triệt tiêu tốt các mầm mống lây truyền dịch bệnh…". Đây chính là những kinh nghiệm quý của BĐBP mà các đơn vị trong toàn quân có thể tham khảo, triển khai phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị mình.