Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi trong cả nước diễn biến phức tạp với hàng vạn con gia súc, gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Ở Ninh Bình cũng xuất hiện một số ổ dịch tả lợn châu phi, cúm gia cầm. Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ngành chuyên môn cùng các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất.

Nuôi gà thả vườn tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Ảnh: Ngọc Linh

Nuôi gà thả vườn tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Ảnh: Ngọc Linh

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn về thú y và các địa phương, từ đầu năm đến nay, Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023); 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch Lở mồm long móng; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh Dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch Viêm da nổi cục; 7 tỉnh đã xảy ra Cúm gia cầm A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút CGC A/H9N2. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sức khỏe người dân và môi trường.

Tại tỉnh ta, cũng xuất hiện rải rác các ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều nhất là dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể như huyện Yên Mô, có lúc cao điểm toàn huyện có tới 7/17 xã, thị trấn xuất hiện dịch bệnh này.

Đồng chí Nguyễn Thị Len, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Yên Mô là một trong những địa phương trọng điểm về chăn nuôi của tỉnh với số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn. Toàn huyện hiện có gần 5 nghìn con trâu bò, hơn 3 vạn con lợn, trên 483 nghìn con gia cầm, 1.500 con dê. Điều đáng nói là bên cạnh các hộ chăn nuôi lớn quy mô gia trại, trang trại thì trên địa bàn còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại nằm lẫn trong khu dân cư nên việc quản lý dịch bệnh hết sức khó khăn. Từ đầu năm đến nay, một số xã, thị trấn đã để xảy ra các ổ dịch động vật, đầu năm là dịch cúm gia cầm ở Yên Đồng, Yên Phong; ngoài ra với dịch tả lợn châu Phi, đây là môt loại bệnh mà vắc xin phòng bệnh chưa phổ biến, tốc độ lây lan nhanh nên có thời điểm cả huyện có tới 7 địa phương có dịch.

Nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con, bảo vệ sản xuất, huyện Yên Mô đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin với phương châm phòng bệnh là chính. Từ 29/4- 20/6, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng được gần 6.770 liều vắc xin phòng Dại (đạt 96,7%), 4.550 liều vắc xin phòng Viêm da nổi cục (đạt 91%), 372.028 liều vắc xin Cúm gia cầm (đạt trên 99%). Đặc biệt, khi có dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia cầm tại xã có dịch và các xã bị uy hiếp. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức chặt chẽ hệ thống giám sát để kịp thời phát hiện, khai báo, quản lý, khống chế dịch bệnh từ người chăn nuôi ở thôn, tổ dân phố đến hệ thống thú y. Nhờ vậy, đến thời điểm này, hầu hết các dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được khống chế.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục gặp một số khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của giá cả thị trường, đặc biệt là dịch bệnh. Trong đó, ngoài dịch Cúm gia cầm xuất hiện vào dịp đầu năm thì bệnh dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát lẻ tẻ trở lại ở một số địa phương. Trước tình hình đó, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập các Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tổ chức tiêm phòng, phun tiêu độc, khử trùng để nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tính đến giữa tháng 6/2024, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin phòng Cúm gia cầm cho trên 2 triệu lượt con gia cầm (đạt 95,6% kế hoạch), vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho gần 30.700 lượt trâu, bò (đạt 88,7% kế hoạch); vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng được 675 lượt con và vắc xin phòng bệnh Dại trên đàn chó, mèo được gần 48.500 lượt con (đạt 91,5% kế hoạch).

Cùng với công tác tiêm phòng, ngành chuyên môn cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng, nhân rộng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Thường xuyên chủ động lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus gây bệnh... Nhờ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, chăn nuôi phát triển tốt.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn, trâu, dê, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, tăng mạnh nhất là đàn gia cầm, hiện đạt 6,49 triệu con, tăng 2,9%. Sản lượng thịt hơi ước đạt gần 35 nghìn tấn, tăng 4,7%.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng trước bối cảnh dịch bệnh động vật trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp cộng với thời tiết thay đổi bất thường, nền nhiệt cao như hiện nay là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng, vệ sinh chuồng trại; đặc biệt, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam/d2024062621512460.htm