Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có việc phòng ngừa virus gây viêm phổi ở người (HMPV) trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương theo sát các diễn biến dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát kéo dài.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, virus HMPV không hề có họ hàng gần với virus SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch Covid-19. Virus HMPV là một trong những loại virus đã được phát hiện từ lâu, không nổi bật, thường “ẩn danh” gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh hoặc cúm vào mùa Đông, Xuân. Vì thế, người dân không nên lo lắng quá mức về tình trạng hiện tại, khi các trường hợp nhiễm virus HMPV nằm trong chu kỳ hoạt động của các virus đường hô hấp khi vào mùa.
Về đường lây nhiễm, virus này chủ yếu lây nhiễm qua giọt bắn đường hô hấp, với các giọt bắn chứa virus được phát tán trong không khí thông qua các hoạt động như ho, hắt hơi, hoặc thậm chí là quá trình nói chuyện thông thường. Ngoài ra, sự lây truyền HMPV còn có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bị nhiễm virus và sau đó chạm tay vào niêm mạc mũi, miệng, mắt. Virus HMPV có thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Một đặc điểm quan trọng của virus này là khả năng tạo miễn dịch không hoàn toàn sau nhiễm trùng, dẫn đến hiện tượng tái nhiễm có thể xảy ra nhiều lần trong đời.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, virus HMPV có thể được phát hiện quanh năm, nhưng có xu hướng bùng phát mạnh vào mùa Đông, Xuân nên sự gia tăng các trường hợp mắc trong thời gian này không phải là tình trạng bất thường. Vì vậy, không nên lo lắng thái quá về tình trạng hiện tại, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.
Mới đây, Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP đã có công văn số 71/HCKT-QY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp gửi các đơn vị thông tin về virus HMPV lây truyền từ người sang người thông qua 3 phương thức chủ yếu: Lây truyền qua giọt bắn, lây qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm và lây qua tiếp xúc gần, giống tác nhân virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp khác như cúm, SARS-CoV-2 (Covid-19).
Các nghiên cứu cho thấy, virus này có hệ số lây nhiễm thấp, R0 = 1,2 (dao động từ 1,1-1,4) có nghĩa là 1 người mắc bệnh có thể lây cho trung bình 1,2 người chưa có miễn dịch trong cộng đồng. Mọi người đều có thể bị nhiễm HMPV, tuy nhiên trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi), người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm (người mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh tự miễn...) có nguy cơ tiến triển nặng khi nhiễm HMPV.
Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh ngay tại cửa khẩu
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh. Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, phóng viên nhận thấy đã có pa nô, áp phích, nội dung tuyên truyền về bệnh do virus gây viêm phổi trên người HMPV và có các nội dung tuyên truyền trên màn hình truyền thông đặt tại sảnh khu vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh, giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin về dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Luận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai cho biết: "Trung tâm luôn sẵn sàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch về nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, kiện toàn các phương án phòng, chống dịch, tổ phòng, chống dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành như BĐBP, Hải quan... triển khai các hoạt động phòng, chống dịch".
Được biết, để ứng phó với các bệnh đường hô hấp, trong đó có virus HMPV, Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP và các hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh theo mùa (Hướng dẫn số 25/HD-HCKT ngày 19/11/2024 về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân 2024-2025); công tác bảo đảm quân y và phòng chống dịch cho các hoạt động, đặc biệt là trong tuyển quân năm 2025.
Mặt khác, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP cũng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và y tế địa phương nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, kịp thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cho bộ đội, nhân dân trên địa bàn và trong công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt tại các khu vực đường biên với Trung Quốc nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có thể xâm nhập từ các khu vực có lưu hành bệnh; hướng dẫn và tổ chức cho nhân viên y tế, đặc biệt người làm tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, cửa sông về các quy định giám sát, kiểm soát, xử lý phòng chống dịch do virus HMPV.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về một số bệnh lây qua đường hô hấp (biểu hiện lâm sàng, đường lây, biện pháp phòng lây nhiễm...) cho bộ đội; thực hiện tốt các biện pháp dự phòng không đặc hiệu (rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi có triệu chứng nghi ngờ/tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh doanh trại, vệ sinh môi trường...); tăng cường công tác quản lý sức khỏe bộ đội, đặc biệt chú ý các trường hợp đi công tác nước ngoài về, kịp thời phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ, triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch; rà soát, bổ sung nhân lực, hóa chất, vật tư phòng chống dịch... sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh.