Chủ động phòng chống dịch Covid-19 bằng công nghệ
Trong một thời gian ngắn, đội ngũ chuyên gia của Việt Nam đã xây dựng được hàng loạt nền tảng công nghệ 'made in Viet Nam' ứng dụng vào tất cả các khâu của công tác phòng chống dịch Covid-19, nhằm thích ứng với từng giai đoạn chống dịch.
Công nghệ là công cụ hữu ích phòng chống dịch Covid-19 Phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch Covid-19
Hiệu quả khi thống nhất ứng dụng phòng chống dịch Covid-19
Từ đầu năm 2021, với yêu cầu cần xây dựng nhanh giải pháp, ứng dụng để chạy đua với Covid-19, mỗi đơn vị công nghệ trong nước được giao xây dựng một hoặc vài ứng dụng cho những nhiệm vụ khác nhau, như Ncovi - khai báo y tế hàng ngày, Bluezone - phát hiện tiếp xúc gần, VHD - hỗ trợ khai báo cho người di chuyển trong nước hoặc cho người nhập cảnh.
Các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam làm việc tại Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Ảnh: TL.
Qua thời gian, các ứng dụng dần được hoàn thiện, bổ sung tính năng cho nhau. Nhiều ứng dụng đã được phát triển để phục vụ nghiệp vụ riêng. Tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có hơn 12 ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch do các bộ ngành phát triển, chưa tính các phần mềm của địa phương. Ứng dụng công nghệ trở thành một trong ba thành phần quan trọng của chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh 5K + vắc-xin.
Theo các chuyên gia, việc tồn tại nhiều ứng dụng đã dần bộc lộ hạn chế. Để ra vào địa điểm công cộng, người dân phải cài cả Bluezone và VHD để khai báo y tế và quét mã QR, vì có nơi yêu cầu ứng dụng này, có nơi bắt buộc ứng dụng kia. Nếu muốn di chuyển, phải cài thêm ứng dụng VNeID để khai báo di biến động dân cư, cài thêm Sổ sức khỏe điện tử để kiểm tra mũi tiêm. Các ứng dụng cũng không được liên thông và đồng bộ dữ liệu với nhau, khiến người dân phải cài và khai báo lại nhiều lần. Nhiều ứng dụng gặp lỗi trong quá trình sử dụng, thiếu dữ liệu, sai thông tin mũi tiêm.
Tại cuộc họp giữa các bộ ngày 10/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch. Hai tuần sau, PC-Covid ra đời, một tháng sau đó, ứng dụng được triển khai tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
PC-Covid tổng hợp tính năng của nhiều nền tảng khác nhau, như khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR, phát hiện tiếp xúc gần, hiển thị thông tin tiêm và xét nghiệm... Ứng dụng được cập nhật từ Bluezone và thay thế cho hàng loạt ứng dụng khác, như Ncovi, VHD, đồng thời mang một số tính năng từ Sổ sức khỏe điện tử, VNeID.
Đến giữa tháng 12/2021, PC-Covid đạt hơn 63 triệu lượt tải, 33 triệu người dùng đăng ký số điện thoại. Hơn 32 triệu người dùng thường xuyên sử dụng PC-Covid để khai báo y tế, quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng.
Việc thống nhất giúp người dân chỉ cần cài một ứng dụng duy nhất, đưa công nghệ trở thành mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch, đúng như công thức mà Chính phủ đã đưa ra trong giai đoạn mới: 5K + vắc-xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ và ý thức của người dân.
Nhiều giải pháp công nghệ triển khai đồng bộ
Theo ông Đỗ Lập Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia ra đời là cơ sở để hợp lực và thống nhất triển khai các biện pháp công nghệ phòng, chống dịch của 2 ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam với hai nhóm nhiệm vụ chính.
Nhiệm vụ thứ nhất là quy hoạch lại, xây dựng một kiến trúc tổng thể của các nền tảng phòng, chống dịch Covid-19; thống nhất dữ liệu, tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu giữa các nền tảng nhằm tạo sự hiệu quả, gắn kết và sự thuận lợi cho người dân trong phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ thứ hai là hợp nhất sức mạnh các lực lượng công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực y tế để hoàn thiện các giải pháp hiện hành, phát triển các giải pháp mới đồng bộ với mục tiêu và nhu cầu chống dịch của ngành Y tế.
Những công nghệ chống dịch mà trung tâm đang phát triển và đẩy mạnh ứng dụng trong thời gian qua không nằm ngoài các mục tiêu giúp ngành Y tế đón đầu và tiệm cận được với tốc độ của “con virus” khi nó bùng phát, thông qua hệ thống các nền tảng công nghệ “khép kín”, từ khai báo y tế, xét nghiệm, truy vết dữ liệu tiếp xúc gần và hỗ trợ tiêm chủng.
Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp ích đáng kể cho ngành Y tế ở mặt trận điều trị, hỗ trợ người dân vùng dịch thông qua việc kết nối bệnh viện với bệnh viện, bác sĩ với người dân và kết nối những người dân gặp khó khăn với những người dân có nhu cầu giúp đỡ người khác.
Ông Hiển cho biết, bên cạnh các nền tảng đang được triển khai và ngày càng hoàn thiện về tính năng, hiệu quả, Cục Tin học hóa trong vai trò thường trực Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia hiện vẫn hoan nghênh và tiếp nhận các đề xuất giải pháp công nghệ mới do các doanh nghiệp gửi đến và phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện các giải pháp thực sự hiệu quả và hữu ích cho công tác chống dịch, hướng đến việc triển khai trên quy mô toàn quốc.
Bước tiếp theo sau khi các nền tảng đã được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp, trung tâm sẽ hướng đến việc triển khai các công nghệ phân tích, mô hình hóa dữ liệu để đưa ra các thống kê dự báo về tình hình dịch, từ đó làm cơ sở cho Bộ Y tế và Chính phủ có quyết sách phù hợp ứng phó với dịch trong giai đoạn tiếp theo./.