Chủ động phòng, chống dịch sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ em nếu không được phòng ngừa đúng cách. Tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng ngừa sởi cho trẻ tại Trạm Y tế Tân Phong, xã Lưu Vệ.
Tính từ đầu năm đến ngày 13/7/2025, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Thanh Hóa ghi nhận 1.510 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; không ghi nhận trường hợp tử vong liên quan đến sởi.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh.
Trạm y tế tuyến xã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ trong diện tiêm chủng của chiến dịch và phối hợp tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ tại trường học. Hệ thống giám sát ngang của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát định kỳ 2 - 3 lần/tuần tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi có thông tin về ca mắc/nghi mắc, trung tâm đã tiến hành họp đánh giá tình hình; báo cáo Sở Y tế chỉ đạo, thành lập đoàn công tác phối hợp với trung tâm y tế các địa phương nơi xảy ra các ca bệnh triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát và phòng, chống bệnh sởi. Đồng thời tiến hành đánh giá, rà soát tỷ lệ tiêm phòng các mũi vắc-xin sởi của địa phương để có căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tăng cường tổ chức tiêm chủng vắc-xin thành phần sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng đến lịch tiêm; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng để đảm bảo hiệu quả miễn dịch và bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc sởi.
Bác sĩ CKI Trịnh Sỹ Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quảng Xươn cho biết, đơn vị đã thực hiện đúng tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền thông về tình hình dịch bệnh sởi, các biện pháp phòng chống và lợi ích của việc tiêm vắc-xin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Những trẻ hoãn tiêm thì trạm y tế sẽ bám sát để khi trẻ đủ điều kiện sẽ được tiêm...
Theo báo cáo của ngành y tế, đến thời điểm này đã tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế cho nhóm trẻ từ đủ 6 tháng đến 15 tuổi trên địa bàn tỉnh với kết quả: 15.000 trẻ từ đủ 6 tháng đến 9 tháng, đạt tỷ lệ 96,5%; 25.594 trẻ 1 đến 10 tuổi, đạt tỷ lệ 96,7%; 14.045 trẻ 11 đến 15 tuổi, đạt tỷ lệ 97,9%. Ngành y tế đang tiếp tục tăng cường tổ chức tiêm chủng vắc-xin thành phần sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng; rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng càng sớm càng tốt nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong cộng đồng.
Thạc sĩ Lê Thiên Phú, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sởi là bệnh có tốc độ lây lan nhanh với hệ số lây nhiễm cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, khoảng 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh khi tiếp xúc với virus sởi. Với khả năng lây lan mạnh qua giọt bắn, đường hô hấp, bệnh sởi có thể bùng phát thành dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Biện pháp phòng ngừa sởi hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin đầy đủ 2 mũi theo đúng lịch tiêm chủng. Vắc-xin sởi thường được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và cho cả người lớn chưa có miễn dịch nhằm giúp cơ thể chủ động chống lại virus sởi.
Hiện nay đang là thời gian cao điểm du lịch hè, nhu cầu đi lại tăng cao, tập trung đông người tại các điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh sởi. Bởi vậy, cùng với việc đẩy mạnh tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng, ngành y tế Thanh Hóa khuyến cáo, bên cạnh tiêm vắc-xin phòng sởi, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Nơi ở cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. Với nhà trẻ, mẫu giáo, nhà trường, văn phòng, công ty... cần phòng sởi bằng thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, vệ sinh lớp học, bàn ghế, sân chơi, phòng làm việc, máy tính sạch sẽ. Ngoài ra, cần uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng bằng cách luyện tập thể dục - thể thao.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-phong-chong-dich-soi-255879.htm