Chủ động phòng, chống 'giặc lửa'

Các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp là nơi có khối lượng lớn nguyên vật liệu, hàng hóa, thiết bị máy móc hoạt động nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Việc chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) cũng như phối hợp chặt chẽ khi xảy ra sự cố sẽ giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Các phương tiện tham gia diễn tập chữa cháy và CNCH tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, thuộc Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên).

Các phương tiện tham gia diễn tập chữa cháy và CNCH tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, thuộc Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên).

Cuộc diễn tập phương án chữa cháy và CNCH cấp tỉnh vừa diễn ra tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT), thuộc Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Hơn 3.300 người, 37 phương tiện thuộc 9 đơn vị, doanh nghiệp đã được huy động để diễn tập thực binh; kịp thời dập tắt đám cháy giả định phát sinh từ khu nhà xưởng sản xuất linh kiện, nơi có rất nhiều dung môi pha sơn, nhựa tổng hợp, linh kiện điện thoại và thiết bị điện.

Anh Đỗ Quang Thư, Trưởng phòng PCCC và CNCH, Công ty SEVT cho biết: Nội dung cuộc diễn tập có ý nghĩa rất thiết thực đối với doanh nghiệp. Đội PCCC cơ sở của công ty được trang bị nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại và thường xuyên huấn luyện, diễn tập hằng năm. Với tình huống giả định đám cháy phức tạp, cường độ mạnh giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm xử lý ban đầu và phối hợp để khống chế. Đây cũng là dịp để mọi người hiểu và nâng cao hơn nữa ý thức PCCC và CNCH.

Thiếu tá Đoàn Đình Tiến, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: So với cùng kỳ trước đó thì số vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh năm 2020 có chiều hướng giảm. Đối với các trường hợp cháy tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp cũng không nhiều. Điển hình là một số vụ: Tại Công ty CP Giấy Trường Xuân, phường Bãi Bông (T.X Phổ Yên) vào tháng 3-2020, cháy 1 kho và 4.300m2 nhà xưởng, thiệt hại gần 40 tỷ đồng; tháng 12-2020 xảy ra cháy tại Công ty TNHH Hadanbi Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) gây thiệt hại 1 máy nén khí và 10m2 tôn trần.

Mới đây nhất là vụ cháy một nhà xưởng đang xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Công II vào ngày 8-1 nhưng không có thiệt hại đáng kể về tài sản. Nhằm chủ động phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu công nghiệp - nơi tập trung mật độ lớn cơ sở sản xuất, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định PCCC trong đầu tư xây dựng; phối hợp nắm tình hình, điều tra cơ bản đối với các cơ sở sản xuất để đấu tranh ngăn chặn vi phạm hành chính về PCCC, đề ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên viên Phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông tin: Hiện trên địa bàn có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Yên Bình, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên, Sông Công I và Sông Công II, với hơn 100 đầu mối doanh nghiệp đang triển khai dự án. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản công tác PCCC ở các doanh nghiệp đã đi vào nền nếp; xây dựng hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; chủ động thành lập đội PCCC cơ sở, một số đơn vị lớn có đội PCCC chuyên ngành; trang bị dụng cụ, phương tiện và thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập phương án PCCC phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy đã góp phần từng bước giảm thiểu, hạn chế gia tăng số vụ và thiệt hại do cháy gây ra.

Liên quan đến các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 4 cụm an toàn PCCC và CNCH là: Khu công nghiệp Điềm Thụy, Sông Công, Gang Thép và T.X Phổ Yên. Các thành viên trong cụm phần lớn là doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ về thông tin, hỗ trợ xử lý khi có sự cố cháy, nổ. Thiếu tá Đoàn Đình Tiến cho biết: Một trong những nguyên tắc cơ bản và hết sức quan trọng trong PCCC là thực hiện phương châm 4 tại chỗ, gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đối với những khu công nghiệp, chủ đầu tư quan tâm thành lập và duy trì các điều kiện an toàn PCCC thì sẽ hạn chế số vụ cháy hoặc nếu xảy ra cháy thì cũng kịp thời xử lý, chữa cháy ngay từ giai đoạn ban đầu, không gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh vai trò quản lý Nhà nước của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thì trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, sự chủ động của bản thân doanh nghiệp để bảo đảm quy định, điều kiện về an toàn PCCC tại cơ sở cần được quan tâm hàng đầu.

Hồng Tâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/chu-dong-phong-chong-%E2%80%9Cgiac-lua%E2%80%9D-280553-108.html