Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Trung tuần tháng 7 đến nay, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, đá khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Nậm Pồ bị hư hại và gần một trăm ngôi nhà bị sạt lở hoặc đứng trước nguy cơ mất an toàn, buộc phải di dời khẩn cấp. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, giúp họ sớm ổn định đời sống.

Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ và đoàn công tác kiểm tra điểm thiệt hại tại Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa.

Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ và đoàn công tác kiểm tra điểm thiệt hại tại Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Nậm Pồ, trong các đợt mưa lớn từ ngày 23/7 đến nay, trên địa bàn có 88 nhà ở bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài gây ra. Trong đó, 15 hộ dân đã di chuyển khẩn cấp cả nhà ở, người và tài sản (xã Nà Bủng 2 nhà, Nậm Tin 1 nhà, Pa Tần 4 nhà, Na Cô Sa 7 nhà, Nà Khoa 1 nhà, Phìn Hồ 1 nhà); 48 hộ dân đã di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn (Pa Tần 15 nhà, Na Cô Sa 25 nhà, Nà Khoa 8 nhà); 25 nhà có nguy cơ sạt lở, ngập úng đang tiếp tục theo dõi, trước mắt chỉ thực hiện di chuyển người và những vật dụng thiết yếu đến nơi an toàn.

Xã Na Cô Sa có địa hình phức tạp, liên tục hứng chịu nhiều đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong đợt mưa lớn vừa qua xã có 7 hộ, 43 khẩu phải di dời khẩn cấp (6 hộ bị thiệt hại trên 70%). Ông Vàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã chủ động đến những nơi có nguy cơ sạt lở kiểm tra, phát hiện, lập danh sách những hộ nằm trong vùng nguy hiểm để sớm di dời. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ (MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, công an, bộ đội biên phòng…) hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển tài sản, đồ đạc, lương thực đến nơi an toàn, tạm thời ổn định cuộc sống.

Các lực lượng phối hợp giúp người dân xã Na Cô Sa tháo dỡ, di chuyển nhà ở đến nơi an toàn.

Các lực lượng phối hợp giúp người dân xã Na Cô Sa tháo dỡ, di chuyển nhà ở đến nơi an toàn.

Gia đình anh Phàng A Sáng, bản Na Cô Sa 3 (xã Na Cô Sa) là một trong những hộ bắt buộc phải di dời đến nơi ở mới vì nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Anh Sáng chia sẻ: Ngày đêm ngủ không ngon giấc vì cứ mỗi khi trời mưa là nhà có thể bị sạt lở bất kỳ lúc nào. Cùng với việc giúp tháo dỡ nhà cửa di chuyển đến nơi an toàn, cấp ủy, chính quyền địa phương còn hỗ trợ gia đình tôi dựng nhà tạm để ở, hỗ trợ nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống trước mắt”.

Ngoài các hộ dân phải di dời khẩn cấp, mưa lớn cũng làm hư hỏng, thiệt hại cơ sở vật chất, đồ dùng học tập; một số trường phải di dời tài sản, đồ dùng học tập đến nơi an toàn. Trường Mầm non Nậm Khăn đã xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ sụt lún, gây nguy hiểm về tài sản, cơ sở vật chất; Trường THCS xã Phìn Hồ xuất hiện vết nứt phía sau bếp ăn và khu vực sân khấu. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, mưa lũ đã gây thiệt hại 8 phòng vệ sinh, 6 phòng nhà tắm học sinh; phòng ở nội trú học sinh. Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Đối với các trường bị ảnh hưởng do mưa lũ, Phòng đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di chuyển thiết bị giảng dạy tại các lớp học có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để bảo vệ tài sản. Riêng đối với Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, trước mắt để đảm bảo chỗ ở nhà trường đã bố trí học sinh ở ghép; đồng thời xây dựng tạm thời nhà tắm, nhà vệ sinh, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức khai giảng theo đúng thời gian quy định.

Thầy cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa di chuyển thiết bị giảng dạy tại các lớp học có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Thầy cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa di chuyển thiết bị giảng dạy tại các lớp học có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Với phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng tránh là chính”, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện) theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu thủy văn; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo. Đồng thời, chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm dân cư có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, tổ chức di dời nhân dân đến nơi ở an toàn.

Bà Phạm Thị Thu Yến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực tế, tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở… Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại.

ĐVTN xã Phìn Hồ giúp người dân lợp mái nhà do giông bão làm tốc mái.

ĐVTN xã Phìn Hồ giúp người dân lợp mái nhà do giông bão làm tốc mái.

Đối với hộ dân phải di chuyển khẩn cấp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nậm Pồ đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân tháo dỡ nhà ở, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, các hộ dân chủ yếu là hộ nghèo không có kinh phí để di chuyển; huyện đã huy động các lực lượng đứng chân trên địa bàn, tổ dân vận cơ sở và lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển và dựng lại nhà ở, tạm thời ổn định cuộc sống. Cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống trước mắt, đặc biệt là các điều kiện sinh hoạt cơ bản, như lương thực, thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt... Đối với các hộ đã di chuyển người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo đưa các hộ dân đến ở ghép tại gia đình người thân, người quen hoặc mượn nhà ở cho các hộ dân tạm thời sinh hoạt trong thời gian diễn ra mưa lớn. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bố trí chỗ ở tại các trường học bán trú, nhà văn hóa thôn, bản… Trong trường hợp cần thiết, sẽ bố trí các hộ dân di chuyển đến ở.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng, có giải pháp phối hợp, hiệp đồng, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp… Hi vọng rằng, huyện Nậm Pồ sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là khôi phục sản xuất, tu sửa các công trình; đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhân dân sau mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/phong-chong-thien-tai/217688/chu-dong-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai