Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh nền nhiệt xuống thấp từ 12 đến 19 độ C, vùng núi cao có nơi xuống dưới 11 độ C. Để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng chống, tránh thiệt hại xảy ra.

Người dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) che phủ nilon bảo vệ mạ đã gieo.

Người dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) che phủ nilon bảo vệ mạ đã gieo.

Tính đến ngày 21/12, tổng diện tích gieo trồng vụ đông năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh là 47.000ha, đạt 100% kế hoạch. Hiện diện tích cây trồng vụ đông đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển, một số diện tích rau màu đang cho thu hoạch.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Vũ Quang Trung, để tránh thiệt hại do thời tiết, những diện tích rau màu vụ đông đã đến kỳ thu hoạch, người dân cần thu hoạch sớm, bảo đảm năng suất. Hiện nông dân ở một số địa phương bắt đầu gieo mạ cấy vụ đông xuân 2024, tạm ngừng xuống giống khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Khi nhiệt độ xuống thấp, người dân sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để phòng chống rét cho các loại cây trồng. Trong những ngày rét đậm, người dân chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng từng cây trong những ngày rét đậm và bón phân cân đối để cây trồng phát triển, tăng khả năng chống rét.

Người dân xã Luận Thành (Thường Xuân) dự trữ thức ăn tho cho đàn gia súc.

Người dân xã Luận Thành (Thường Xuân) dự trữ thức ăn tho cho đàn gia súc.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh hơn 28,2 triệu con. Trong đó, đàn trâu khoảng 170.000 con; đàn bò 265.000 con; đàn lợn 1,3 triệu con; đàn gia cầm 26,5 triệu con.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt thấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Trên cơ sở đó, các địa phương liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Cán bộ chuyên môn bám địa bàn hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô (rơm, rạ, cỏ khô...), thức ăn ủ chua, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Đối với gia cầm phải có đèn sưởi, củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.

Trên địa bàn các huyện miền núi, vận động các hộ dân không thả rông trâu, bò khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; đưa trâu, bò về chuồng, trại nuôi nhốt, giữ ấm cho đàn vật nuôi. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi trong thời gian giá rét...

Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chu-dong-phong-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-nbsp/202490.htm