Chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc

Hiện nay, đàn gia súc toàn tỉnh có trên 1 triệu con; trong đó, khoảng 700 nghìn con trâu, bò, số còn lại gồm ngựa, dê, lợn... Chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Cán bộ khuyến nông xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, hướng dẫn nông dân kỹ thuật ủ, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ cuối tháng 11, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh. Các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng có thể gây ra hiện tượng sương muối, băng giá ở vùng núi cao. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, kết hợp tuyên truyền bà con không thả rông gia súc, với hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện che chắn chuồng trại và chủ động dự trữ thức ăn.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống rét, tăng cường bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi ở các xã vùng núi cao chưa có chuồng kiên cố, tuyên truyền cho nhân dân không thả rông gia súc, hướng dẫn cách quây, che chắn gió chuồng trại và dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho vật nuôi.

Nhân dân xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tích trữ thức ăn cho đàn vật nuôi.

Huyện Phù Yên có trên 120 nghìn con trâu, bò, tập trung ở các xã vùng Mường và một số xã vùng cao, như Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ. Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã thường xuyên thông tin về tình hình thời tiết đến nhân dân qua hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; vận động nhân dân không thả rông vật nuôi trong những ngày giá rét. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc trên 1.000 ha cỏ voi, làm thức ăn cho đại gia súc trong mùa đông. Ngoài ra, nhân dân một số xã, như Gia Phù, Tân Lang, Huy Tân... trồng thêm 70 ha ngô sinh khối để bổ sung nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Bà Phạm Thị Tứ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên, thông tin: Đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp che chắn gió, giữ ấm cho gia súc trong các đợt rét đậm, rét hại diễn ra trong mùa đông năm nay.

Còn tại huyện Vân Hồ, một trong những địa phương thường xuyên có nền nhiệt độ ở mức thấp kèm theo sương muối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi. Hiện nay, đàn đại gia súc của huyện có khoảng 100 nghìn con; trong đó, 65% số vật nuôi của huyện đã được chuyển đổi từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt và bán chăn thả.

Nhân dân tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò trong mùa đông.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Ngay từ đầu tháng 10, Phòng đã phối hợp với các xã hướng dẫn nhân dân xây dựng và gia cố, che chắn chuồng trại; tận dụng các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, như rơm, rạ, thân cây ngô làm thức ăn. Rà soát thống kê số gia súc đang chăn thả, vận động bà con đưa vật nuôi về gần nhà và thực hiện các biện pháp phòng, chống rét. Riêng đối với các xã Vân Hồ và Lóng Luông, nhân dân còn chủ động tích trữ chất đốt để sưởi ấm khi nền nhiệt độ giảm sâu.

Với việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi trước mùa đông của các địa phương trong tỉnh, tin tưởng, đàn vật nuôi sẽ được bảo vệ tốt, giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định.

Báo Điện Biên Phủ

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/chu-dong-phong-chong-ret-cho-dan-gia-suc