Chủ động phòng, chống sạt lở trong mùa mưa, bão

Những năm gần đây, vào mùa mưa, bão, lũ lụt, tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra phức tạp và nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.

Sạt lở diễn biến phức tạp

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, tình trạng sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến âm thầm, phức tạp, khó lường. Hiện đã gây ra thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, cây trồng, đất sản xuất của người dân và đe dọa đến các công trình tôn giáo, di tích của tỉnh.

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khảo sát tại điểm sạt lở thuộc khu vực ấp Phú Xuân 1,xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khảo sát tại điểm sạt lở thuộc khu vực ấp Phú Xuân 1,xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành

Tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khoảng 94 điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 26.768m, gây thiệt hại tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, hàng ngàn mét đường giao thông chính và giao thông nông thôn bị cuốn trôi xuống sông.

Riêng từ đầu năm đến tháng 6/2024, tình hình thiên tai do sạt lở, sụt lún đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn ngầm tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm sạt lở đã xảy ra là 12 điểm tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước và Châu Thành với tổng chiều dài khoảng 2.263m.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại Giáo xứ Vườn Xoài, ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa đã xảy ra sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 80m. Độ lún sâu khoảng 0,5m so với mặt nền hiện trạng, chiều rộng sụt lún khoảng 8m tính từ mép sông Vàm Cỏ Tây vào phía trong.

Sạt lở, sụt lún đã làm ảnh hưởng đến phần đất của 2 hộ dân và Nhà thờ Giáo xứ Vườn Xoài. Ngoài ra, nền đất còn xuất hiện nhiều vết nứt từ 3-5cm, nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Thông tin từ UBND huyện Thạnh Hóa, khu vực Giáo xứ Vườn Xoài là nơi tập trung đi hành lễ hàng tuần của khoảng 1.100 giáo dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã gia cố nhưng đến nay, hiện tượng sụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nếu không được xử lý kịp thời, vào những lúc triều cường lên xuống kết hợp với mùa mưa, lũ sắp tới sẽ có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng hơn, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân sinh sống trong khu vực này.

Gia đình bà Trương Thị Huệ (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) là 1 trong 2 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điểm sạt lở, sụt lún thuộc khu vực Giáo xứ Vườn Xoài.

Bà Huệ cho biết: “Tình trạng sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm qua, tốc độ sạt lở ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Gia đình tôi rất lo lắng, hy vọng chính quyền sớm xây dựng kè chống sạt lở để gia đình tôi an tâm sinh sống”.

Vừa qua, khu vực kè sạt lở thị xã Kiến Tường xuất hiện nhiều điểm sụt lún, gây nguy hiểm cho người dân sinh sống trong khu vực. Sau khi nhận được thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh đã cử Đoàn công tác đến khảo sát thực tế.

Theo đó, tại đoạn bờ kè tiếp giáp khu vực chợ phường 1, thị xã Kiến Tường xuất hiện 4 điểm bị sụt lún nghiêm trọng; độ sụt lún từ 0,5-1m, mặt bêtông hở từ 10-20cm, cát dưới nền bị cuốn trôi, sắt thép bị nhô lên, mặt nền bê tông bị lún từ 2-3cm so với hiện trạng ban đầu.

Đoạn giao với cầu Hùng Vương cũng xuất hiện 3 điểm sụt lún; độ sụt lún từ 2-3cm, tường kè bị nứt tách biệt nền kè bê tông từ 3-5cm; trong đó, có 1 điểm bị lún sâu 0,5m so với hiện trang ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Hậu (phường 1, thị xã Kiến Tường) chia sẻ: “Tuyến kè được xây dựng đã nhiều năm, đến nay xuất hiện nhiều điểm sụt lún nghiêm trọng, nhiều chỗ xuất hiện hố sâu, có sắt thép nhô lên rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Người dân trong khu vực mong muốn ngành chức năng sớm khắc phục các điểm sụt lún, bảo đảm an toàn cho người dân”.

Bờ kè thị xã Kiến Tường xuất hiện nhiều điểm sụt lún nguy hiểm

Bờ kè thị xã Kiến Tường xuất hiện nhiều điểm sụt lún nguy hiểm

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương, có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

Một là nguyên nhân khách quan, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, cực đoan; các vị trí sạt lở thường nằm trong khu vực có đoạn sông cong, lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống hàng ngày kết hợp số lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, chạy với vận tốc lớn, kết hợp nền đất khu vực yếu và lòng sông rộng, nước chảy xiết. Cùng với đó, những năm gần đây, mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp làm cho đất dưới lòng kênh bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch gây ra sạt lở nghiêm trọng.

Hai là nguyên nhân chủ quan, do việc quản lý các hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, bãi sông chưa chặt chẽ. Mặt khác, do tập quán sinh sống của người dân thường xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi kênh, rạch;... qua đó, làm gia tăng tải trọng, gây đứt gãy kết cấu nền đất tiếp giáp sông dẫn đến sụt lún, sạt lở.

Tập trung phòng, chống

Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ tài sản, kết cấu hạ tầng, ổn định đời sống người dân.

Tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Đông (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đang được khẩn trương thi công

Tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Đông (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đang được khẩn trương thi công

Trong đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 6 tuyến kè chống sạt lở: Kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, TP.Tân An; xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ; kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An); xử lý chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An; kè sông Bảo Định đoạn từ cống Bảo Định đến cống đầu kênh Vành Đai, với tổng chiều dài khoảng 10.753m.

Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai đầu tư 11 tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ sông tại huyện: Bến Lức, Tân Thạnh, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường, với tổng chiều dài khoảng 16.000m.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Trước những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, tình trạng sạt lở vẫn ngầm tiếp diễn và ngày càng phức tạp, khó lường, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ, sông, kênh, rạch tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát, khoanh vùng sạt lở và triển khai biện pháp phòng ngừa, ứng phó sạt lở, nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở (Trong ảnh: Bờ sông Rạch Cát, xã Phước Đông, huyện Cần Đước)

Ngành chức năng cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở (Trong ảnh: Bờ sông Rạch Cát, xã Phước Đông, huyện Cần Đước)

“Thới gian tới, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức các buổi sinh hoạt, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nhất là nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch cho những hộ dân đang sinh sống dọc các tuyến sông, kênh, rạch.

Đặc biệt, tăng cường khuyến cáo người dân đề phòng, cảnh giác trước các nguy cơ có thể tiếp tục xảy ra sạt lở; vận động người dân không xây dựng, cơi nới nhà ở ra gần sát bờ sông, kênh, rạch,... để tránh xảy ra các sự cố sạt lở đáng tiếc” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

Chủ động phòng, chống sạt lở

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra khá nghiêm trọng, gây thiệt hại nhiều kết cấu hạ tầng, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng sạt lở.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-sat-lo-trong-mua-mua-bao-a180348.html