Chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình hồ, đập
Với phương châm chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính gắn với thực hiện ''4 tại chỗ''; thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2023, trước mùa mưa lũ, các đơn vị, địa phương trong tinh đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2023.
Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ lớn (dung tích từ 3 - 10 triệu m3 hoặc chiều cao từ 15m trở lên), 151 hồ đập loại vừa (dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 10 - 15m), 274 hồ đập loại nhỏ (dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 5 - 10 m).
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 208 hồ chứa là các hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn tỉnh, số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các hợp tác xã, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Theo đánh giá của các huyện, thành phố, công ty khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2023. Tuy vậy, hiện tại còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn. Theo đó, qua rà soát có 134 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, 410 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 24,6% tổng số hồ chứa toàn tỉnh.
Các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp sửa chữa tổng số 160 hồ đập, bai và công trình thủy lợi (có 112 hồ, đập chứa nước thủy lợi). Các hồ, đập bị hư hỏng ở các hạng mục như: thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 683 tỷ đồng; có 48 bai, đập dâng và công trình khác cần phải sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 1.706 tỷ đồng.
Để kịp thời khắc phục hư hỏng do thiên tai gây ra trong thời gian qua, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới mùa khô hạn, tình trạng tiêu nước khi có mưa lũ xảy ra, một số địa phương đã đề xuất đầu tư xây dựng mới một số công trình hồ đập, bai dâng và kênh mương, gồm 47 công trình, trong đó: xây dựng mới 2 hồ chứa nước, 30 kè chống sạt lở bờ sông bờ suối, 4 bai dâng, 1 trạm bơm, 4 cầu và ngầm kết hợp giao thông, 5 khu tái định cư tập trung và di dân xen ghép, 1 khu xử lý chống sạt lở khu vực dân cư.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 47 công trình khắc phục hư hỏng do thiên tai năm 2022 gây ra, gồm 3 công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, 10 công trình từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai, 11 công trình từ nguồn hỗ trợ khắc phục thiên tai khác và các nguồn vốn hợp pháp khác; 16 công trình từ nguồn vốn WB; 5 công trình từ nguồn ngân sách huyện, 2 công trình từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, 29 công trình đang thi công đạt tiến độ từ 10 - 98% khối lượng; 3 công trình đang chuẩn bị thi công; 13 công trình đã thi công đạt 100% khối lượng; 2 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, hầu hết các điểm xung yếu đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân xung quanh. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo ứng phó thiên tai, nhất là các điểm xung yếu, đảm bảo hiệu quả, kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2023.